Nghiệm thu các nhiệm vụ KHCN cấp Tỉnh do cán bộ Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế làm chủ nhiệm

0
87

Trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2023, có 04 nhiệm vụ Khoa học công nghệ cấp tỉnh do cán bộ khoa Chăn nuôi Thú y, trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế làm chủ nhiệm đã được tiến hành nghiệm thu.

(01) Ngày 13 tháng 3 năm 2023, tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành nghiệm thu đề tài “Đánh giá, so sánh năng suất, chất lượng thịt và đề xuất giải pháp chăn nuôi hiệu quả cho các tổ hợp bò lai tại Quảng Ngãi, làm cơ sở định hướng xây dựng thương hiệu thịt bò Quảng Ngãi” do Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế chủ trì, PGS.TS. Đinh Văn Dũng làm chủ nhiệm. Đề tài được triển khai từ tháng 8/2020 đến tháng 01/2023. Nội dung nghiên cứu tập trung đánh giá hiện trạng chăn nuôi, chuỗi cung ứng và tiêu thụ bò thịt và thịt bò; năng suất và chất lượng thịt của các tổ hợp bò lai nuôi; đề xuất giải pháp kỹ thuật chăn nuôi phù hợp cho tổ hợp bò lai chuyên thịt được chọn; tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân. Qua quá trình nghiên cứu thực tiễn, nhóm nghiên cứu khẳng định, chăn nuôi bò lai là thế mạnh của Quảng Ngãi. Đàn bò lai sinh sản chủ yếu là giống bò lai Brahman. Bò thịt được nuôi phần lớn là giống bò lai BBB và lai Charolais. Tuổi bò thịt xuất bán trung bình là 18,4 tháng tuổi. Tuổi bê bán trung bình là 6,3 tháng tuổi. Thịt bò giết mổ và tiêu thụ chủ yếu là các loại bò lai, chiếm đến 94,7% tổng lượng thịt tiêu thụ trong tỉnh. Trong 4 tổ hợp bò lai mà nhóm nghiên cứu thì các tổ hợp bò lai cho năng suất thịt và hiệu quả kinh tế cao, lần lượt là các tổ hợp bò lai, gồm: lai BBB, lai Charolais, lai Red Angus, lai Droughtmaster. Từ kết quả này, đơn vị chủ trì đề xuất 3 tổ hợp bò lai, gồm: lai BBB, lai Charolais, lai Red Angus nên được sử dụng chăn nuôi tại tỉnh Quảng Ngãi và các địa phương có điều kiện tương tự.

PGS.TS. Đinh Văn Dũng, chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ

Tại cuộc họp, các thành viên trong Hội đồng đánh giá cao về hàm lượng khoa học của đề tài, đảm bảo các yêu cầu đề ra. Đề tài rất cần thiết, phù hợp với thực tiễn ngành chăn nuôi cũng như tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Đây là cơ sở, căn cứ khoa học quan trọng để Quảng Ngãi xem xét, xây dựng chiến lược phát triển bền vững ngành chăn nuôi bò thịt, hướng đến xây dựng thương hiệu thịt bò tại Quảng Ngãi. Đồng thời, đề nghị đơn vị chủ trì tiếp tục hoàn thiện đề tài, trước khi chuyển giao cho các đơn vị tiếp nhận.

Toàn cảnh buổi đánh giá nghiệm thu

(02) Cùng ngày 13 tháng 3 năm 2023, đề tài “Ứng dụng KH&CN tuyển chọn, nhân giống và phát triển chăn nuôi gà thả đồi an toàn tại huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi”, do TS. Dương Thanh Hải, Khoa Chăn nuôi Thú y làm chủ nhiệm, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sơn Hà chủ trì, thực hiện từ tháng 9/2019 đến tháng 12/2022 cũng đã tiến hành nghiệm thu. Trong thời gian triển khai, thực hiện, đơn vị chủ trì gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mặc dù vậy, đơn vị đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của đề tài, đáp ứng được kỳ vọng của người dân địa phương. Đơn vị đưa ra được một số kết luận, nhận định chung về mô hình. Phương thức chăn nuôi gà phổ biến ở địa phương là thả vườn. Giống gà được nuôi để sinh sản là gà kiến, gà kiến lai. Giống gà để nuôi thịt chủ yếu là gà kiến, gà kiến lai, gà mía và gà Cao Khanh (Bình Định)… Mô hình gà sinh sản được xây dựng, với 350 con mái và 50 trống. Đàn gà bố mẹ thế hệ sau có tỷ lệ đẻ từ 30 – 37%, tỷ lệ ấp nở đạt từ 94 – 97%. Đơn vị cũng đã tiến hành sản xuất con giống, cung ứng cho người chăn nuôi địa phương với giá cả thấp hơn thị trường từ 3.000 – 5.000 đồng/con. Mô hình chăn nuôi gà thả đồi được xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Tỷ lệ sống của gà ở các hộ mô hình đạt trên 95%, gà nuôi từ 95 – 105 ngày đạt 1,4kg/con. Trong đó, gà trống đạt 1,6kg và gà mái đạt 1,2kg. Một cơ sở giết mổ gà đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được thiết lập. Chuỗi liên kết giữa các khâu trong chăn nuôi gà từ sản xuất con giống, chăn nuôi gà thịt, thu mua, giết mổ, đóng gói và đưa sản phẩm ra thị trường được hình thành. Tại cuộc họp, các thành viên trong hội đồng cũng chỉ ra những hạn chế trong báo cáo để bổ sung, hoàn thiện đề tài. Đồng thời, đề nghị đơn vị chủ trì cần có kế hoạch tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình trong thời gian đến, đặc biệt chú trọng phát triển, đưa mô hình đến gần hơn với người đồng bào dân tộc thiểu số Hrê, gắn liền với mục tiêu giảm nghèo ở địa phương; cần xây dựng phương thức liên kết chặt chẽ trong quá trình chăn nuôi và đưa sản phẩm ra thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao…

Toàn cảnh buổi nghiệm thu đề tài gà “Sơn Hà”

(03). Chiều ngày 26 tháng 6 năm 2023, Sở Khoa học và Công ngjee tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức nghiệm kết quả nghiệm vụ “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi bền vững cho đoàn viên thanh niên và nông dân xã Trà Phú, huyện Trà Bồng” do Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế chủ trì và PGS.TS. Nguyễn Xuân Bả làm chủ nhiệm. Sau hơn 40 tháng thực hiện, cơ quan chủ trì và chủ nhiệm dự án đã đánh giá được cơ bản tình hình chăn nuôi bò, lợn, gà của xã Trà Phú năm 2019, qua đó cho thấy chăn nuôi ở xã Trà Phú còn nhỏ lẻ, chưa áp dụng nhiều khoa học kỹ thuật, năng suất còn thấp cần được cải thiện; tiếp đến dự án đã đào tạo được 10 kỹ thuật viên cơ sở và 300 lượt đoàn viên và nông dân xã trà phú về kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, lợn và nuôi gà. Dự án đã thành công trong việc xây dựng mô hình chăn nuoi lợn và bò sinh sản cả ở khía cạnh kỹ thuật và số lượng, hai mô hình cho thấy có tính bền vững cao, điều đó thể hiện thông qua việc duy trì số lượng đàn bò cũng như đàn lợn trong các hộ làm mô hình. Đối với mô hình gà, dự án cho thất thành công ở khía cạnh chuyển giao về kỹ thuật chăn nuôi gà cho nông hộ làm mô hình ở miền núi. Dự án đã thành lập 01 Hợp tác xã và 01 nhãn hiệu tập thể chăn nuôi Trà Phú và 01 điểm giết mổ gà an toàn. Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao các nội dung của dự án đã thực hiện trong giai đoạn rất khó khăn, phức tạp do diễn biến dịch bệnh Covid-19, khủng hoảng giá thức ăn và nguyên liệu đầu vào tăng nhanh, giá sản phẩm (gà, lợn, bò) giảm dâu, đặc biệt là giá gà thịt; dịch bệnh (dịch tả lợn Châu Phi, bệnh viêm da nổi cục ở bò) xuất hiện rộng khắp trên địa bàn thực hiện dự án,… Đồng thời hội đồng cũng đã có những góp ý chỉnh sửa để đơn vị chủ trì và chủ nhiệm dự án hoàn thiện hồ sơ.

Toàn cảnh buổi nghiệm thu dự án “Trà Phú”

(04) Chiều ngày 29 tháng 06 năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai đã tổ chức hội nghị nghiệm thu đề tài Khoa học công nghệh “Xây dựng mô hình chăn nuôi sử dụng nguồn thức ăn có dược liệu tại địa phương nhằm tạo ra các sản phẩm sạch, không sử dụng thuốc kháng sinh” do TS. Nguyễn Hải Quân chủ nhiệm, trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế chủ trì. Đề tài  được triển khai thực hiện trong 30 tháng (từ tháng 7-2020 đến tháng 1-2023) với tổng kinh phí 1,9 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chi 1,3 tỷ đồng. Đề tài đã thực hiện với các nội dung chính: i) Điều tra tình hình chăn nuôi, tình hình trồng và sử dụng cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Gia Lai; ii) Xây dựng quy trình kỹ thuật sử dụng các loại thức ăn dược liệu trong chăn nuôi cho hai loại gia súc, gia cầm chính là lợn và gà; iii) Xây dựng hai mô hình có sử dụng dược liệu, không sử dụng thuốc kháng sinh trên lợn và gà tại Gia Lai. Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng đã góp ý cho nhóm thực hiện đề tài về một số nội dung như tổng quan tình hình phát triển chăn nuôi và dược liệu tại Gia Lai; quy trình tách chiết và thử nghiệm dược liệu trên heo và gà; điều kiện áp dụng thực tiễn của đề tài.

Toàn cảnh nghiệm thu đề tài xây dựng mô hình chăn nuôi sử dụng dược liệu

Khoa học Công nghệ là một nhiệm vụ quan trọng và cũng là một trong những thế mạnh của Khoa Chăn nuôi Thú y, năm 2023 ngoài 04 nhiệm vụ đã nghiệm thu kể trên, hiện tại Khoa đang thực hiện 2 nhiệm vụ cấp tỉnh trong đó 01 nhiệm vụ thực hiện mới năm 2023. Ngoài ra, cán bộ khoa đang thực hiện 04 nhiệm vụ cấp bộ bao gồm 03 nhiệm vụ thuộc bộ Giáo dục Đào tạo và 01 nhiệm vụ thuộc bộ Khoa học và Công nghệ; và các nhiệm vụ Khoa học công nghệ khác thuộc các tổ chức khác nhau tài trợ như IFS, Vingroup (VINIF), … Năm học 2022-2023 cán bộ toàn khoa xuất bản 01 giáo trình, 5 sách tham khảo, 32 bài báo xuất bản trên các tạp chí trong nước và 20 bài trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục WoS hoặc Scopus.

Khoa CNTY, 6/2023

Bài trướcTuyển dụng Công Ty Cổ Phần Thuốc Thú Y Toàn Thắng
Bài tiếp theoHà Thị Kim Oanh – Thủ khoa kép đầu vào và đầu ra ngành Thú y

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here