HỢP TÁC QUỐC TẾ

0
370

Giai đoạn Hà Bắc: 1967-1983

Khoa CNTY là khoa đầu tiên của trường nhận được sự giúp đỡ và hợp tác của một trường Đại học danh tiếng trên thế giới: đó là trường Đại học Nông nghiệp Wageningen, Hà Lan. Ngay từ lúc đất nước vừa thống nhất, thầy Lê Viết Ly là người đầu tiên được mời sang thăm và đã mở đầu cho một sự hợp tác lâu dài và hiệu quả. Năm 1976, viện trợ khoa học đầu tiên đã đến với trường, đó là máy móc, dụng cụ trang bị cho phòng phân tích sữa tương đối hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, sinh viên của trường bạn cũng gửi tặng các bạn trẻ của trường ta một bộ nhạc cụ hiện đại và rất có giá trị gồm trống, kèn và các loại đàn. Bộ nhạc cụ này đã được sử dụng cho các lần hội diễn văn nghệ của trường sau này.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, năm 1979, khoa đã được tham gia dự án VH12 – một phần trong chương trình hợp tác lớn do khối các trường Đại học Hà Lan tài trợ (NUFFIC). Chủ nhiệm dự án phía Việt Nam là thầy Lê Viết Ly, phía Hà Lan là TS G. Montsma – Bộ môn chăn nuôi nhiệt đới trường Đại học Nông nghiệp Wageningen. Sau khi trường chuyển về Huế, thầy Trần Đình Từ và thầy Nguyễn Kim Đường tiếp tục làm chủ nhiệm dự án cho tới năm 1987. Điều lớn nhất mà dự án VH12 mang lại đó là trong lúc cần thiết nhất, nó đã giúp khoa đào tạo nguồn nhân lực – đội ngũ thầy giáo – đủ mạnh để tiếp cận với khoa học kỹ thuật tiên tiến từ nước ngoài. Nhiều cán bộ giảng dạy đã được nâng cao về chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ, trở thành nòng cốt của các bộ môn, như các thầy giáo Lê Viết Ly, Trần Đình Từ, Đặng Vũ Bình, Nguyễn Văn Bảo, Vũ Bình Minh, Nguyễn Văn Thuận, Đặng Tất Nhiễm, Đỗ Trọng Dư, Hoàng Thạch, Hoàng Nghĩa Duyệt, Nguyễn Văn Duệ, Lê Đức Ngoan, Nguyễn Tiến Vởn, Đàm Văn Tiện, Nguyễn Kim Xin, Phạm Khánh Từ, Trần Sáng Tạo, Trương Thanh Cảnh… Tính đến nay, đã có 18 cán bộ, giáo viên và gần 30 lượt người của khoa sang Hà lan tham gia các khóa đào tạo dài hạn (2 thạc sĩ, tiến sĩ) và ngắn hạn. Trên nền tảng của kiến thức và tiếng Anh được nâng lên từ chương trình VH12, sau này nhiều giáo viên đã đi học cao học và tiến sĩ ở Úc, Thụy Điển, Mỹ, Nhật Bản, Đức… Trong thời gian hợp tác, 7 phòng thí nghiệm của khoa được trang bị khá đầy đủ thiết bị hiện đại và khá đồng bộ. Có thể nói dự án hợp tác quốc tế VH12 là bước đột phá, mở đường cho các chương trình, dự án hợp tác quốc tế sau này của khoa và của nhà trường. Vị thế của trường đại học Nông nghiệp 2 và của khoa đã được nâng lên rất nhiều từ những hợp tác ban đầu này.

Giai đoạn Thành phố Huê: 1967-nay

Phát huy truyền thống về hợp tác quốc tế, khoa CNTY tiếp tục phát triển và vẫn là khoa dẫn đầu về hợp tác quốc tế ở trường. Sau chương trình hợp tác với Hà Lan (VH12), nhiều chương trình HTQT của khoa vẫn tiếp tục mở rộng. Trong đó phải kể đến là chương trình hợp tác với SAREC (Thụy Điển) từ năm 1990 thông qua GS Lê Viết Ly (lúc đó là Phó viện trưởng viện chăn nuôi quốc gia). Chương trình hợp tác này đã góp phần nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu rất đáng kể cho khoa ta. Trước hết, số cán bộ khoa học đã được đào tạo có bằng tiến sĩ và thạc sĩ là 12 người (từ năm 1992 đến 2007) và hàng chục lượt cán bộ tham gia các khóa ngắn hạn.

Thầy, cô khoa CNTY cũng là người đầu trong việc đề xướng, thành lập và lãnh đạo Trung tâm PTNT, dự án canh tác trên đất dốc, dự án quản lý tài nguyên vùng đối và đầm phá… mà hoạt động của nó cho đến nay vẫn tiếp tục phát triển và mở rộng.

Hàng năm có đến 6-8 đề tài nghiên cứu khoa học của cán bộ được tài trợ bởi SAREC. Một số thiết bị (vi tính, thiết bị thí nghiệm) cũng được dự án tài trợ và nâng cấp. Thông qua chương trình SAREC, khoa CNTY là một trong những đơn vị có hệ thống liên lạc internet đầu tiên ở Huế và trong cả nước (kết nối với trường đại học Oxford, 1992). Với hệ thống liên lạc này, thông tin mới bổ sung cho bài giảng được cập nhật, các mối quan hệ quốc tế ngày được mở rộng.

Từ các hợp tác quốc tế mang tính chất tài trợ (đào tạo, trang thiết bị), đến nay sự hợp tác đó đã vươn lên tầm cao mới – hợp tác song phương như: nghị định thư với Italia, Trung Quốc, các hợp tác với ACIAR (Úc)… Nhiều cán bộ của khoa là chủ trì các dự án hợp tác quốc tế, như dự án hợp tác với IDRC (Canada), Bỉ, Thụy Điển… Hiện nay, khoa đã có quan hệ hợp tác với nhiều trường Đại học và cơ quan quốc tế như trường Đại học Nông nghiệp Wageningen và trường đại học Utretch (Hà Lan), trường Đại học khoa học Nông nghiệp Thụy Điển, trường đại học Melbourne, Queensland (Úc), trường đại học Obihiro, Okayama, Nipon (Nhật Bản), trường đại học Tennessee (Hoa Kỳ).

Khoa đã tổ chức và tham gia nhiều hội thảo quốc tế và nhiều bài báo đã được đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Vì vậy, vai trò và vị thế của khoa ngày càng được khẳng định. Nhiều cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao sự trưởng thành và đóng góp của khoa CNTY trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo.

Bài trướcKHOA HỌC CÔNG NGHỆ
Bài tiếp theoHỘI NGHỊ HỘI THẢO

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here