Khoa tôi, Trường tôi thời còn Hà Bắc

0
256
Trong quá trình công tác của mình, GS đã bồi dưỡng, đào tạo được rất nhiều thế hệ học trò xuất sắc, nay đang công tác tại các trường ĐHNN, các cơ quan nghiên cứu hay các doanh nghiệp với vai trò là giảng viên; là cán bộ quản lý, nghiên cứu khoa học chăn nuôi giỏi, thành đạt. 
Nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày thành lập khoa CNTY, trường ĐHNN II Hà Bắc, nay là trường ĐHNL Huế. Chúng tôi xin giới thiệu đến các anh chị em sinh viên, bạn đọc bài viết của GS về những kỷ niệm một thời trường ta, khoa ta tại Hà Bắc.
 

 
Giáo sư Lê Viết Ly
            Năm 1967, Trường Đại học Nông nghiệp II được thành lập trên đất Việt Yên – Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang). Việt Yên tuy thuộc Bắc Giang nhưng cũng là một trong 49 làng quan họ. thời xưa người ta gọi vùng đất này là Kinh Bắc. Kinh Bắc nổi tiếng với những làn quan họ, hát ru, quay tơ, hát giao duyên. Đây là miền đất cổ kính, giàu truyền thống văn hóa không chỉ nổi tiếng bởi những câu ca mà còn ở cách ứng xử văn minh của một miền đất phía Bắc Thăng Long.
            Trường đại học mới mở là sự kết hợp của 3 trường: Trung học Nông Lâm Chèm, Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, và trường Trung học Nông Lâm Nghệ An, đóng trên cơ sở trường trung cấp cũ. Cơ sở vật chất của trường thật đơn sơ, thiếu thốn, đúng là trường trong thời kháng chiến. Hầu như trường ốc, ký túc xá đều làm bằng tranh tre nứa lá. Hai năm đầu tiên không đủ chỗ ở, cán bộ khoa Chăn nuôi thú y phải ở nhờ nhà dân cách trung tâm hơn 3 cây số.

            Tôi nhớ, cái lo lắng thường trực của lãnh đạo trường lúc bấy giờ là làm sao có đủ tranh để lợp nhà, vì vậy người ta phải lên tận Sơn Động, Lạng Sơn để mua tranh lá về chống dột hàng năm. Có một hình ảnh không bao giờ quên đối với tôi đó là cảnh trời mưa to, sinh viên trai gái ướt như chuột lột bởi tấm nilon duy nhất đã đem bọc chăn màn, quần áo, còn người thì chịu trận với trời. Nhìn lên nóc nhà mới thấy mái nhà không phải lợp bằng tranh mà bằng cót ruột. Loại mái nhà này chỉ che được nắng chứ làm sao chống được mưa. Nhìn các em trẻ mới vào trường dưới trời mưa mà xót làm sao! Lại nữa, một cảnh tượng cũng khó quên với nhiều người, đó là các sinh viên gái ngoài giờ học phải đi quét lá tre để lấy chất đốt nấu nước gội đầu. Thời bấy giờ làm gì đã có dầu gội shampoo, tất cả nhờ vào mấy quả bồ kết. Trông có tội nghiệp không!
            Sinh viên ra trường thời bấy giờ phần lớn là vào bộ đội, những sinh viên tốt nghiệp từ khóa 5 trở đi, khi  đất nước đã hòa bình thống nhất thì được phân công tất tật vào các tỉnh phía Nam. Các em sau này phần lớn đều rất thành đạt. Sau này, trong những dịp đi công tác vào miền Nam, ở đồng bằng sông Cửu Long hay ở Tây Nguyên tôi được gặp lại nhiều em trường II đã trưởng thành, được các địa phương rất tín nhiệm. Các em thành thật nói với người thầy cũ rằng: “Chúng em được như ngày nay là nhờ trường thầy ạ. Ở trường ĐHNN II chịu khổ quen rồi, nên thời kỳ đầu ở trong Nam tuy rất gian khó nhưng bọn em chịu đựng được, yên tâm ở lại, trong khi nhiều bạn trường khác thấy khổ là xin ra Bắc”.
            Khoa Chăn nuôi thú y của trường, ngoài học hành, lao động, còn nổi tiếng là khoa văn nghệ. Sống trên đất quan họ, các em được tiếp xúc thường xuyên với đoàn văn công của tỉnh, những ca sĩ nổi tiếng Thúy Cải, Xuân Trường thường xuyên đến khoa dạy sinh viên hát quan họ. Thời bấy giờ được hát với nhau, ăn với nhau bát cơm nhà bếp nấu là vui rồi. Được cái là ông thủ trưởng trường tôi rất yêu văn nghệ, mà nói đến hát thì chỉ dân ca thôi. Ông bảo: “Mình làm sao đua được với các trường Hà Nội nên phải chú trọng dân ca”. Thì ra cái ông nghĩ đầu tiên là hát để đi thi, chứ không phải là để thỏa mãn nhu cầu văn hóa của các bạn trẻ! Ông không ưa những điệu hát xập xình, kể cả bài Cô gái Guantanamera theo điệu Rumba nổi tiếng của Cuba. Đang liên hoan văn nghệ hễ nghe đến bài này là ông đứng dậy bỏ đi. Vì yêu thích dân ca nên ông hay đến khoa tôi để nghe sinh viên hát. Được thủ trưởng chú ý chúng tôi cũng thấy ấm lòng.

Với tôi có một chuyện không bao giờ quên được, đó là sau ngày đất nước thống nhất  không lâu, tôi nhận được lá thư của một em học sinh cũ của trường, nhắn tôi vào Ninh Thuận xem đàn cừu trong ấy. Em bảo tôi “kỳ lắm thày ơi, trời nóng như vậy mà với bộ lông dầy, chúng vẫn sống tốt, không như những đàn cừu ngoài Bắc mình đâu”! Phải  hơn 10 năm sau, tôi mới có dịp vào khảo sát chăn nuôi vùng cực nam Trung bộ và bị thuyết phục bởi những đàn cừu đầy sức sống, thịt ngon không oi, sau được đặt tên là cừu Phan Rang. Lúc bấy giờ đàn cừu đang ngày một giảm vì không có thị trường tiêu thụ. Chúng tôi đã dầy công thuyết phục lãnh đạo địa phương và cùng bà con chăn nuôi khôi phục, phát triển đàn cừu ít ỏi còn lại, khoảng hơn 1000 con. Qua phổ biến kỹ thuật tiến bộ, qua các phương tiện truyền thông, vị trí con cừu ngày càng được chú ý, thị trường được phát triển, cừu trở thành một món đặc sản ưa thích. Đến nay số lượng đàn cừu trong nước đã lên đến 7, 8 chục nghìn con. Việc này không chỉ đem lại thu nhập tốt cho bà con một vùng khô cằn, mà còn góp phần làm phong phú thêm nguồn Đa dạng sinh học của nước ta. Ý tưởng bảo tồn, khai thác nguồn gen vật nuôi quý của đất nước hình thành từ những ngày tiếp xúc với con cừu đáng quý nơi đây. Chúng tôi đã khởi thảo một dự án và sau đó được Bộ Khoa học & CN cho thực hiện đề án “ Bảo tồn nguồn gen vật nuôi VN” từ năm 1990 đến nay và thu được nhiều thành quả được xã hội nhìn nhận. Được như vậy, tôi luôn biết ơn những người nông dân của vùng đất đầy nắng gió đã cùng hợp tác với chúng tôi nhiều năm qua, cũng không quên thầm cảm ơn người sinh viên cũ của trường.
Một thành tích nổi bật nữa của Khoa CNTY, đó là hoạt động hợp tác quốc tế độc đáo. Từ lúc trở lại trường sau khi đi làm tiến sĩ ở Đông Âu về, tôi hiểu trường mình đi sau trường I đến 10 năm ( trường ĐHNNI thành lập từ năm 1957 ), cơ sở vật chất thiếu thốn nên nhà trường phải tìm cách vươn nhanh mới theo kịp được trường bạn. Làm cách nào đây? – Đó là trăn trở không chỉ của lãnh đạo mà còn của những người thầy như chúng tôi. Một trong những biện pháp tiến nhanh có lẽ phải dựa vào hợp tác quốc tế để đào tạo đội ngũ giảng dạy có chất lượng cao. May mắn làm sao, vào cuối năm 1974 có một đoàn thuộc tổ chức “Ủy ban Khoa học và kỹ thuật vì Việt Nam, Lào và Campuchia” của các trường đại học Hà Lan đến Việt Nam và đã thăm trường tôi. Sau những hoạt động giao lưu, họ gặp cán bộ giảng dạy của trường và tỏ ý muốn giúp đỡ nếu nhận được các đề xuất thích hợp. Lãnh đạo trường sau đó bảo chúng tôi: “Ai biết ngoại ngữ thì nên viết thư cho bạn” (tất nhiên là thư phải được duyệt). Lúc bấy giờ cả trường hình như chỉ có vài ba người viết nổi thư bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp trong đó có tôi. Nội dung thư tôi đã viết đại loại như sau: “Ở Việt Nam tôi từng nghe những lời ca ngợi về đất nước các bạn, về nông nghiệp Hà Lan, trong đó đặc biệt là ngành nuôi bò sữa. Tôi muốn đề nghị các bạn giúp cho trường một phòng thí nghiệm phân tích sữa để dạy sinh viên…”. Thật không ngờ, chỉ sau ba, bốn tháng, tôi nhận được thư của trường đại học Wageningen mời sang Hà Lan để nhận thiết bị phân tích sữa cho phòng thí nghiệm của trường. Các bạn biết không, thời bấy giờ còn ngặt nghèo lắm, chúng tôi không có quyền tự ý gửi thư trả lời cho bạn ở nước ngoài. Trước hết, được trường ủy nhiệm, tôi phải lên Bộ NN xin phép cho trường được nhận viện trợ trên. Khi đã có phép, tôi mới được viết thư cảm ơn bạn và hứa sẽ cử người sang nhận (cho dù trong thư họ viết là mời tôi). Tôi lại tiếp tục phải xin phép Bộ cho cử người đi nhận số thiết bị sữa mà bạn viện trợ và khi bản thân được Bộ cử đi thì tôi mới dám viết thư chính thức báo tin rằng tôi sẽ sang Hà Lan và xin bạn gửi vé máy bay cho. Chuyện xin phép, chờ đợi mất đến hơn một tháng!

            Tháng 3/1976 tôi lên đường đi Hà Lan, máy bay chở tôi là của hãng Interflug (CHDC Đức), bay từ Hà Nội đến Berlin bằng máy bay IL-18. Thời ấy, đây là loại máy bay đường dài hiện đại. Nhưng phải nói thật, đến tận bây giờ tôi vẫn còn sợ vì không hiểu sao tiếng ồn của động cơ lại ghê thế. Tôi nhớ mới bay đến bầu trời Pakistan, hai tai tôi đã nhức lắm rồi. Đến Berlin tôi phải nghỉ lại sáng hôm sau lên máy bay khác bay tiếp. Từ Berlin đến sân bay Schiphon (Hà Lan) chỉ hơn 1 tiếng. Một sinh viên lái chiếc xe con bán tải ra sân bay đón tôi, anh bảo đây là chiếc xe của tiến sỹ Rinze Vissia thường dùng để đi làm hàng ngày. Ông là giáo sư kinh tế của trường đại học Wageningen và là Chủ tịch “Ủy ban Khoa học và kỹ thuật vì Việt Nam, Lào và Campuchia”. Sau này đến thăm nhà ông, tôi mới biết vợ ông cũng có một chiếc xe bán tải nữa để đi làm việc. Thế mới biết, họ là những con người rất thực tế! Buổi tiếp xúc với các giáo sư bạn được tổ chức ngay chiều hôm tôi đặt chân đến trường Đại học đã diễn ra rất thân mật, tự nhiên ở câu lạc bộ trường, có nhiều giáo sư của khoa chăn nuôi nhiệt đới đến dự. Ông Chủ tịch Vissia giới thiệu tôi với  mọi người và họ đã nồng nhiệt chào đón tôi, hỏi han về công việc, về gia đình, sau đó bố trí luôn lịch làm việc cho tôi. Ngày hôm sau, tôi bắt tay vào công việc, trước hết là làm quen với các bộ môn nhưng chủ yếu là tại các phòng thí nghiệm. Tôi được bố trí ở một khách sạn của Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế (IAC) tại Wageningen. Hàng ngày tôi đến phòng thí nghiệm, tối lại đến phòng Phonetic (phòng ngữ âm) để luyện tiếng Anh. Đi lại đã có chiếc xe đạp mà giáo sư Vissia cho mượn. Sau hơn một tháng ở Hà Lan, tôi đã học được nhiều điều không chỉ là trong phòng thí nghiệm hay ở các bộ môn, mà nhiều hơn là những kiến thức trong cuộc sống của một xã hội hoàn toàn mới. Rất nhanh sau đó, các thiết bị thí nghiệm đã được chuyển về trường tôi. Có một điều vui nữa đó là sau khi đại diện sinh viên bạn tiếp xúc với tôi, họ đã vận động tặng sinh viên trường tôi một bộ nhạc khí gồm các loại đàn và cả dàn trống nữa. Tất cả những cái đó đã làm cả trường náo động hẳn lên!
Việc xây dựng được một dự án hợp tác và tài trợ của chính phủ Hà Lan thật không dễ dàng. Ai cũng biết nước Hà Lan tuy bé nhỏ nhưng là một đế quốc già cỗi có thuộc địa khắp nơi trên thế giới, chính phủ của họ chẳng thích gì một nước cộng sản như mình. Đối lập với chính phủ thì các nhà khoa học lại rất có cảm tình với nước ta, chắc rằng chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam đã lay động tâm tư họ. Có được sự hợp tác giữa hai phía là kết quả của cuộc đấu tranh khó khăn dai dẳng. Chỉ nói riêng về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp thôi cũng đầy phức tạp. Ngay trong khoa Chăn nuôi nhiệt đới của trường, bên cạnh một số giáo sư muốn hợp tác với Việt Nam thì cũng có không ít người lại muốn hợp tác với Indonesia. Ta biết Indonesia vốn là thuộc địa của Hà Lan, một số giáo sư ở đây lấy vợ người Indonesia. Việt Nam thuộc hệ thống Xã hội chủ nghĩa, Indonesia dưới thời Suharto bị coi là độc tài phát xít, nên cuối cùng các nhà khoa học đã tìm đến biện pháp nhân nhượng: hợp tác cả với Việt Nam lẫn Indonesia. Đó là những trở ngại về phía bạn.

GS Lê Viết Ly và GS Henk Bakker đang trao đổi về bài giảng bên ngọn đèn dầu của nhà khách của Trường (ảnh được chụp lại từ phim dương bản do GS Verstegen cung cấp)
Còn về phía ta, tuy có nhiều thuận lợi, nhưng riêng về hợp tác nông nghiệp thì cả hai trường ĐHNN I Hà Nội và trường ĐHNN II Hà Bắc đều muốn tham gia và là người điều hành dự án. Ông lãnh đạo trường I đích thân dẫn đoàn tham gia tất cả các buổi họp, trong lúc trường II chỉ có một mình tôi. Tôi có lợi thế là có thể trao đổi trực tiếp bằng tiếng Anh với bạn, vả lại, vì đã đi Hà Lan, quen biết nhiều giáo sư, nên dĩ nhiên họ chọn tôi và trường ĐHNN II làm đối tác. Dự án hợp tác VH12 về giảng dạy và nghiên cứu chăn nuôi nhiệt đới là giữa trường ĐH Wageningen và ĐHNN II do tiến sỹ Gert Montsma và tôi trực tiếp điều hành. Trong suốt thời gian dài hợp tác, nhiều kỷ niệm về các giáo sư bạn còn đọng lại sâu sắc trong tôi cũng như thày trò trường II, trong đó phải kể đến TS. Rinze Vissia, TS. Gert Montsma, GS. Henk Bakker, GS. Martin Verstegen…Họ là những tấm gương về tài năng, là những người bạn quý đã giúp đỡ chúng ta từ những ngày đầu, lúc đất nước còn bị cấm vận.
Phải nói là tuy gặp nhiều khó khăn ban đầu, nhưng hoạt động của dự án VH12 của Khoa  được mọi người trong trường ủng hộ. Cái trường bé nhỏ tranh tre nứa lá của chúng tôi có bao giờ được đón tiếp nhiều khách quốc tế như vậy đâu. Hàng năm, hàng mấy tuần liền các giáo sư Hà Lan đến giảng bài cho thầy trò của khoa. Do mở hai lớp song song nên ngoài một cán bộ phiên dịch của Bộ, tôi cũng phải dịch bài giảng cho một lớp. May mà mình nắm vững chuyên môn nên cũng không gặp khó khăn gì nhiều. Không khí trường tôi, nói đúng hơn là khoa tôi sôi nổi hẳn lên. Trong con mắt bạn bè và sinh viên, tôi nhận được sự mến mộ. Nghĩ lại chuyện cũ, tôi vẫn cho rằng mình đã may mắn và công sức miệt mài tranh thủ học tiếng Anh những ngày làm nghiên cứu sinh ở Bungari đã không uổng phí! Tôi cũng thấy vui, khi đã giúp tạo nên động lực cho nhiều đồng nghiệp trẻ trong trường hào hứng học tiếng Anh chuẩn bị cho những cơ hội sau này.

Hình ảnh GS M. Verstegen and GS H. Bakker thăm trường trong nhiều lần khi còn ở Việt Yên (ảnh được chụp lại từ phim dương bản do GS Verstegen cung cấp)
Hợp tác đại học với Hà Lan đã kéo dài được gần 20 năm từ những năm đầu thập kỷ 80 đến năm 2000. Trong rất nhiều cái được, tôi thích nhất đó là chuyện đào tạo con người. Rất nhiều bạn trẻ của trường đã được tiếp xúc với các giáo sư bạn và làm việc trong những phòng thí nghiệm tốt nhất, có một số còn làm tiến sỹ ngay trên đất Hà Lan. Suốt trong nhiều năm, một không khí phấn khởi, lao vào học tiếng Anh, tiếp xúc chuyên gia… đã làm bao bạn trẻ trưởng thành không chỉ về chuyên môn mà cả về điều hành dự án. Đáng mừng là chính có sự chuẩn bị ấy mà đội ngũ thày giáo của trường đã sẵn sàng để khi dời về miền Trung, Khoa CNTY trường ĐHNN II đã có một vị thế vững vàng trong hàng loạt hợp tác với các tổ chức quốc tế FAO, Thụy Điển, Nhật, Úc, Pháp… Thầy giỏi thì trò giỏi, những người bạn trẻ của tôi đã truyền sinh khí cho lớp lớp đàn em với quyết tâm đưa nông nghiệp của miền đất nghèo miền Trung phát triển kịp các vùng miền trong cả nước.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here