Theo phân tích của các chuyên gia về quản lý nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp cho thấy, nhu cầu nhân lực ngành Thú y ngày càng tăng cao, hiện tại thú y là ngành cực “hot”, dễ xin việc với thu nhập cao nhất trong trong các ngành nông nghiệp trong 5 năm tới. Nếu bạn đang quan tâm về ngành học này, vui lòng tìm hiểu thông tin giới thiệu về ngành Thú y sau đây:
Ngành thú y nghiên cứu ứng dụng những nguyên tắc của y học trong phòng bệnh, chẩn đoán và điều trị bệnh cho động vật, bao gồm: gia súc, gia cầm và thú cưng. Theo học ngành Thú y, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức sinh lý, dịch tễ học, lâm sàng, kỹ thuật chẩn đoán, phòng trị bệnh như nội khoa, ngoại khoa, sản khoa giải phẫu bệnh và pháp luật liên quan đến phòng chống dịch cho động vật; kỹ năng tư vấn về kỹ thuật, công nghệ và kinh doanh trong lĩnh vực Thú y theo định hướng mang lại lợi ích kinh tế…100% sinh viên ngành Thú y được doanh nghiệp liên quan chăn nuôi, thuốc thú y và thú cưng tuyển dụng ngay sau khi bảo vệ khóa luận tốt nghiệp.
I. THÔNG TIN CHUNG CỦA TRƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGÀNH THÚ Y
- Tên chương trình đào tạo (bằng tiếng Việt): Thú y
- Tên chương trình đào tạo (bằng tiếng Anh): Veterinary medicine
- Tên viết tắt của chương trình đào tạo: TY
- Trình độ đào tạo: Đại học
- Loại hình đào tạo: Chính quy
- Mã ngành đào tạo: 7640101
- Thời gian đào tạo: 5,0 năm
- Ngôn ngữ đào tạo: Tiếng Việt
- Khối lượng kiến thức toàn khóa: 169 tín chỉ
- Văn bằng tốt nghiệp: Bác sĩ thú y
- Điều kiện tốt nghiệp: Theo quy định tại Điều 14, Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT.
- Đơn vị cấp bằng: Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế
- Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi ra trường
Bác sĩ Thú y sau khi tốt nghiệp sẽ tích luỹ được kiến thức nền tảng về các nguyên lý cơ bản, các quy luật tự nhiên và xã hội trong lĩnh vực thú y để phát triển kiến thức mới và có thể tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn (thạc sĩ, tiến sĩ).
Xem thêm thông tin tuyển sinh năm 2024 tại đây
II. NỘI DUNG ĐÀO TẠO GỒM CÁC KHỐI KIẾN THỨC
Sinh viên theo học ngành Bác sỹ thú y sẽ được học và trang bị các khối kiến thức về:
Khối kiến thức cơ sở ngành: Sinh lý, hóa sinh, vi sinh vật, miễn dịch, bệnh lý, dược lý, dược liệu, dịch tễ;
Khối kiến thức chuyên ngành: Bệnh ngoại khoa, nội khoa, truyền nhiễm, bệnh thú cưng, bệnh ký sinh trùng.
Khối kiến thức để phát triển kỹ năng quản lý, thực tiễn sản xuất, khởi nghiệp: Thao tác nghề, tiếp cận nghề, thực hành trong các điều kiện thực tiễn sản xuất và kinh doanh.
MỤC TIÊU ĐÀO TẠO
Sau khi học xong chương trình đào tạo Bác sỹ thú y người học sẽ có những kiến thức nền tảng về phòng chống bệnh cho động vật, nâng cao năng suất và đảm bảo an toàn thực phẩm. Bác sĩ Thú y sẽ có năng lực chẩn đoán, phòng và điều trị các bệnh trên động vật, và kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả.
Chương trình đào tạo được xây dựng để đáp ứng năng lực nghề nghiệp như vận dụng kiến thức tổng hợp vào thực tiễn, phân tích, đánh giá, tổ chức, thực hiện các vấn đề liên quan chuyên môn và các năng lực tự chủ với cá nhân, xã hội như đạo đức nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm công dân, tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
III. CHUẨN ĐẦU RA CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Su khi học xong chương trình đào tạo ngành thú y người học cần đạt được
Những kiến thức
Người học có thể vận dụng được kiến thức cơ bản về khoa học chính trị, pháp luật; giáo dục thể chất; quốc phòng – an ninh; công nghệ thông tin vào công việc thực tiễn của một bác sỹ thú y.
Vận dụng được kiến thức về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và môi trường làm nền tảng tư duy để giải quyết các vấn đề trong công việc thực tiễn của một bác sỹ thú y một cách khoa học và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Giải thích được kiến thức cơ sở về cơ thể học, các quá trình sinh lý, hóa sinh, dinh dưỡng, di truyền,… của động vật trong hoạt động nghề nghiệp chăn nuôi thú y.
Vận dụng được kiến thức chuyên ngành để giải quyết các công việc thực tiễn trong thú y: chẩn đoán, phòng trị và quản lý dịch bệnh cho vật nuôi; kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vận dụng được kiến thức cơ bản về quy trình chăn nuôi các đối tượng vật nuôi phổ biến trong nông nghiệp theo các hệ thống sản xuất khác nhau.
Giải thích được kiến thức về pháp luật và bảo vệ môi trường trong hoạt động nghề nghiệp.
Vận dụng được các kiến thức bổ trợ về phương pháp tiếp cận khoa học, kỹ năng mềm, kỹ năng kinh doanh và khởi nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp.
Những kỹ năng
Người học tốt nghiệp ngành thú y sẽ có năng lực bậc 3/6 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam (Chứng chỉ B1 tiếng Anh hoặc các chứng chỉ Quốc tế tương đương).
Thực hiện được các quy trình kỹ thuật công nghệ trong chăn nuôi, chẩn đoán, điều trị, phòng chống các bệnh động vật..
Xây dựng được đề cương, thực hiện nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực thú y; phân tích dữ liệu, diễn giải và truyền đạt các kết quả thực hiện, đánh giá chất lượng và hiệu quả công việc.
Đề xuất ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tự tạo việc làm cho mình và cho người khác trong môi trường nghề nghiệp luôn thay đổi.
Hướng dẫn, giám sát được những người khác thực hiện các quy trình công nghệ thú y.
Có kỹ năng quản lý, xây dựng chính sách và các hoạt động khác nhau trong quản lý ngành thú y..
Năng lực tự chủ và trách nhiệm
Sau khi tốt nghiệp ngành thú y người học có thể thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội của một công dân trong thể chế đang sống và làm việc với bối cảnh toàn cầu hoá.
Làm việc, học tập một cách độc lập hoặc theo nhóm, hướng dẫn và giám sát người khác thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả trong bối cảnh thay đổi thường xuyên của công việc.
Thực hành được các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của một Bác sĩ Thú y.
IV. VỊ TRÍ VÀ CƠ HỘI VIỆC LÀM
Các vị trí việc làm có thể đảm nhận sau tốt nghiệp ngành thú y
Có thể đảm nhận các công việc trong các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi thú y như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Chi cục Thú y vùng; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm giống vật nuôi, Trung tâm khuyến nông, Trung tâm ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, Trạm Chăn nuôi và Thú y; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng kinh tế, Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp; Bệnh xá thú y, Thú y cơ sở.
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y và trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp nông nghiệp; Viện Thú y, Viện Chăn nuôi, Phân viện Thú y.
Các tổ chức phi chính phủ liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi thú y
Và những vị trí việc làm khác tùy theo năng lực cá nhân.
Xem thêm Cơ hội việc làm ngành Thú y tại đây
Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ngành Thú y tại Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế
Hàng năm Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế thường xuyên tổ chức các sự kiện nhằm kết nối giữa doanh nghiệp và người học như: Ngày hội định hướng nghề nghiệp, Ngày hội việc làm, Doanh nghiệp cùng đồng hành trong đào tạo. Đặc biệt sinh viên trong quá trình học sẽ có cơ hội thực hành trực tiếp tại các công ty uy tín; được tham gia các câu lạc bộ chuyên ngành dưới sự bảo trợ của các công ty hoạt động trong lĩnh vực Chăn nuôi Thú y như: công ty GreenFeed Việt Nam, công ty CJ Vina, công ty R.E.P., công ty Goldcoin, công ty Sunjin, công ty Cargill,… từ những hoạt động trên sinh viên có thể đinh hướng sớm nghề nghiệp của mình trong tương lại. Hàng năm có từ 20-30 doanh nghiệp được Khoa và Nhà trường kết nối tham gia tuyển dụng sinh viên ra trường. Sinh viên ra trường được làm việc trong các tập đoàn và công ty uy tín có mức lương cao và có cơ hội để phát huy năng lực.