Tuyển sinh Đại học – Ngành Chăn nuôi (Animal science)

0
88

Ngành chăn nuôi Việt Nam ngày càng phát triển, kéo theo nhu cầu nhân lực ngành Chăn nuôi, Thú y tăng cao và luôn nằm trong top ngành nghề dễ xin việc nhất hiện nay. Theo phân tích thị trường lao động đến năm 2025, nước ta đang cần đến 3,2 triệu lao động ngành nông – lâm – ngư qua đào tạo, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực chăn nuôi, thú y. Thực tế cho thấy Chăn nuôi, Thú y là ngành có mức thu nhập rất hấp dẫn đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp. Mức thu nhập còn tùy thuộc vào vị trí công việc, địa điểm làm việc và đặc biệt là năng lực chuyên môn. Nếu bạn đang quan tâm về ngành học này, vui lòng  tìm hiểu thông tin giới thiệu  về ngành Chăn nuôi sau đây:

I. THÔNG TIN CHUNG CỦA TRƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NGÀNH CHĂN NUÔI

  1. Tên chương trình đào tạo: Chăn nuôi
  2. Tên chương trình đào tạo: Animal science
  3. Tên viết tắt của chương trình đào tạo: CN
  4. Trình độ đào tạo: Đại học
  5. Loại hình đào tạo: Chính quy
  6. Mã ngành đào tạo: 7620105
  7. Thời gian đào tạo: 4,0-4,5 năm
  8. Ngôn ngữ đào tạo: Tiếng Việt
  9. Khối lượng kiến thức toàn khóa: 157 tín chỉ
  10. Văn bằng tốt nghiệp: Bằng kỹ sư
  11. Điều kiện tốt nghiệp: Theo quy định tại Điều 14, Thông tư số 08/2021/TT BGDĐT.
  12. Đơn vị cấp bằng: Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế
  13. Khả năng nâng cao trình độ sau tốt nghiệp:

Sau khi ra trường, người học có thể học tiếp chương trình cao học, nghiên cứu sinh trong nước hoặc tham gia các chương trình sau đại học ở nước ngoài.

Xem thêm thông tin tuyển sinh năm 2024 tại đây 

II. NỘI DUNG ĐÀO TẠO GỒM CÁC KHỐI KIẾN THỨC

Sinh viên theo học ngành chăn nuôi sẽ được học và trang bị các khối kiến thức:

Khối kiến thức cơ sở ngành gồm các học phần học cơ sở: Giải phẫu động vật, Tổ chức và Phôi thai học,  Sinh lý động vật, Hóa sinh động vật, Di truyền động vật, Dinh dưỡng động vật,…,

Khối kiến thức chuyên ngành gồm các học phần:  Thức ăn, Chọn và nhân giống vật nuôi, Chăn nuôi lợn, Chăn nuôi trâu bò, Chăn nuôi gia cầm, Chăn nuôi dê cừu, Ký sinh trùng và bệnh ký sinh trùng, Bệnh truyền nhiễm, Bệnh thú cưnng,…

Khối kiến thức để phát triển kỹ năng quản lý, khởi nghiệp gồm các học phần: Kỹ năng mềm, kỹ năng kinh doanh, kỹ năng viết tài liệu khoa học, quản lý trang trại, quản lý dịch bệnh chăn nuôi, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp công nghệ cao,…

Đặc biệt, để sinh viên có cơ hội tiếp cận được với thực tiễn sản xuất và sản phẩm đào tạo đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, trong quá trình đào tạo chúng tôi đã liên kết với các doanh nghiệp để thực hiện các học phần tiếp cận nghề, thao tác nghề, thực tế nghề và thực tập tốt nghiệp ở các trang trại, cơ sở sản xuất của doanh nghiệp.

 III. MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

Sau khi học xong chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Chăn nuôi người học sẽ có kiến thức, kỹ năng nền tảng rộng và kiến thức, kỹ năng chuyên môn vững vàng; có năng lực thực hành nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo và trách nhiệm nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động phục vụ phát triển kinh tế – xã hội ở Miền trung –Tây nguyên và cả nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

IV. CHUẨN ĐẦU RA CỦA CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Sau khi học xong chương trình đào tạo ngành chăn nuôi người học cần đạt được:

Về kiến thức:

Áp dụng được kiến thức cơ bản về kinh tế, chính trị, xã hội và pháp luật vào công việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực Chăn nuôi.

Sử dụng được kiến thức về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và môi trường làm nền tảng tư duy để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong lĩnh vực Chăn nuôi một cách khoa học và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thời đại công nghiệp 4.0.

Giải thích được kiến thức cơ sở về cơ thể học, các quá trình sinh lý, hóa sinh, dinh dưỡng, di truyền,… của động vật và các kiến thức bổ trợ về phương pháp tiếp cận khoa học, kỹ năng mềm, kỹ năng kinh doanh và khởi nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp chăn nuôi thú y.

Áp dụng được kiến thức chuyên ngành để giải quyết các công việc trong thực tiễn sản xuất chăn nuôi: quy trình công nghệ và quản lý chăn nuôi theo các hệ thống sản xuất khác nhau, phòng trị một số bệnh phổ biến và quản lý dịch bệnh cho vật nuôi.

Về kỹ năng:

Kỹ năng nhận thức: Người học tốt nghiệp ngành Chăn nuôi sẽ có thể đánh giá được các quy trình công nghệ chăn nuôi và và quản lý chăn nuôi theo các hệ thống sản xuất khác nhau, phòng trị một số bệnh phổ biến và quản lý dịch bệnh cho vật nuôi; sử dụng tiếng anh để trình bày được những vấn đề cơ bản của công tác chuyên môn (tiếng anh bậc 3/6 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam (Chứng chỉ B1 tiếng Anh hoặc các chứng chỉ Quốc tế tương đương).

Kỹ năng thực hành: Người học tốt nghiệp ngành Chăn nuôi sẽ có thể áp dụng được các quy trình công nghệ chăn nuôi và có khả năng giải quyết được các vấn đề liên quan đến công việc trong thực tiễn ngành chăn nuôi một cách phù hợp.

Kỹ năng số, nghiên cứu và tính toán: Người học tốt nghiệp ngành Chăn nuôi sẽ có khả năng thực hiện: số hoá tài liệu, xây dựng được đề cương, thực hiện nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực chăn nuôi; phân tích dữ liệu, diễn giải và truyền đạt các kết quả thực hiện, đánh giá chất lượng và hiệu quả công việc.

Kỹ năng mềm: Người học tốt nghiệp ngành Chăn nuôi sẽ có khả năng xây dựng được ý tưởng, phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tự tạo việc làm cho mình và cho người khác trong môi trường nghề nghiệp luôn thay đổi.

Về năng lực tự chủ và trách nhiệm

Trách Năng lực thực hành nghề nghiệp: Người học tốt nghiệp ngành chăn nuôi sẽ làm việc, học tập một cách độc lập hoặc theo nhóm; hướng dẫn và giám sát người khác thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả trong bối cảnh thay đổi thường xuyên của công việc.

Trách nhiệm với xã hội: Người học tốt nghiệp ngành chăn nuôi sẽ thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội của một công dân trong thể chế đang sống và làm việc với bối cảnh toàn cầu hóa.

V. VỊ TRÍ VÀ CƠ HỘI VIỆC LÀM

Các vị trí việc làm có thể đảm nhận sau tốt nghiệp ngành chăn nuôi

– Các cơ quan từ trung ương đến địa phương liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi thú y như: Bộ NN& PTNT, Cục chăn nuôi, Cục thú y; Sở NN& PTNT, Trung tâm giống vật nuôi, Trung tâm khuyến nông, Chi cục CNTY; Phòng NN& PTNT, Phòng kinh tế, Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp.

– Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thức ăn gia súc và thuốc thú y; các đại lý, cửa hàng kinh doanh thức ăn gia súc và thuốc thú y; các doanh nghiệp và trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

– Các trường Đại học, Trung học nông nghiệp; Viện Chăn nuôi.

– Các tổ chức phi chính phủ liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi thú y.

– Những vị trí việc làm khác tùy theo năng lực cá nhân.

Xem thêm Cơ hội việc làm ngành Chăn nuôi Thú y tại đây

Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ngành chăn nuôi tại Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế.

Hàng năm Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế thường xuyên tổ chức các sự kiện nhằm kết nối giữa doanh nghiệp và người học như: Ngày hội định hướng nghề nghiệp, Ngày hội việc làm, Doanh nghiệp cùng đồng hành trong đào tạo. Đặc biệt sinh viên trong quá trình học sẽ có cơ hội thực hành trực tiếp tại các công ty uy tín; được tham gia các câu lạc bộ chuyên ngành dưới sự bảo trợ của các công ty hoạt động trong lĩnh vực Chăn nuôi Thú y như: công ty Cổ phần CP Việt Nam, công ty GreenFeed Việt Nam, công ty CJ Vina, công ty R.E.P., công ty Goldcoin, công ty Sunjin, công ty Cargill,… từ những hoạt động trên sinh viên có thể đinh hướng sớm nghề nghiệp của mình trong tương lại. Hàng năm có từ 20-30 doanh nghiệp được Khoa và Nhà trường kết nối tham gia tuyển dụng sinh viên ra trường. Sinh viên ra trường được làm việc trong các tập đoàn và công ty uy tín có mức lương cao và có cơ hội để phát huy năng lực.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here