Sáng ngày 18/7, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức Hội nghị chuyển giao kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ: “Đánh giá, so sánh năng suất, chất lượng thịt và đề xuất giải pháp chăn nuôi hiệu quả cho các tổ hợp bò lai tại Quảng Ngãi làm cơ sở định hướng xây dựng thương hiệu thịt bò Quảng Ngãi” do trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế chủ trì, PGS.TS. Đinh Văn Dũng làm chủ nhiệm. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở KH&CN; đại diện chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Quảng Ngãi, cơ quan chủ trì, chủ nhiệm đề tài; Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện đồng bằng tỉnh Quảng Ngãi.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Ngãi, Nguyễn Văn Thành cho biết, nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Đánh giá, so sánh năng suất, chất lượng thịt và đề xuất giải pháp chăn nuôi hiệu quả cho các tổ hợp bò lai tại Quảng Ngãi làm cơ sở định hướng xây dựng thương hiệu thịt bò Quảng Ngãi” đã được nghiệm thu và được Hội đồng đánh giá cao về hàm lượng khoa học cũng như có tính ứng dụng trong thực tiễn; đề tài đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, nhờ nâng cao chất lượng thịt bò được nuôi tại các cơ sở, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương.
Thay mặt nhóm nghiên cứu, PGS.TS. Đinh Văn Dũng chủ nhiệm đề tài đã trình bày các nội dung thực hiện, các kết quả chính của đề tài và các nội dung chính cần chuyển giao, xem xét ứng dụng trong thực tiễn. Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu đánh giá năng suất và chất lượng thịt của các tổ hợp bò lai chuyên thịt hiện có tại tỉnh Quảng Ngãi; đánh giá được hiện trạng chuỗi cung ứng và tiêu thụ bò thịt nuôi tại Quảng Ngãi; đánh giá được năng suất sinh trưởng, năng suất thịt và chất lượng thịt của các tổ hợp bò lai chuyên thịt nuôi tại Quảng Ngãi; đánh giá năng suất và chất lượng thịt bò ở các độ tuổi giết mổ khác nhau; đề xuất được tổ hợp bò lai chiến lược để phát triển nhằm định hướng tạo thương hiệu thịt bò tại tỉnh Quảng Ngãi. Từ đó xây dựng được các giải pháp cải thiện các hạn chế của chuỗi cung ứng và tiêu thụ thịt bò giúp tăng thu nhập cho nông hộ nuôi bò tại Quảng Ngãi.
Đề tài đã tiến hành điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng chăn nuôi tại các nông hộ và các mắt xích liên quan đến chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh. Địa điểm thực hiện nghiên cứu tại các huyện: Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, TX.Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi. Quy mô điều tra 350 hộ, trong đó có 200 hộ (mỗi địa phương 40 hộ) có nuôi bò lai chuyên thịt (bò lai BBB, lai Red Angus, lai Droughtmaster, lai Charolais); 15 người buôn bò; 10 lò giết mổ bò; 48 người bán sỉ, bán lẻ; 10 điểm bán thịt bê thui; 2 siêu thị có bán thịt bò; 50 người tiêu dùng thịt; 5 cơ sở cung cấp tinh; 10 đại lý bán thức ăn cho vật nuôi.
PGS.TS. Đinh Văn Dũng cho biết, kết quả đánh giá hiện trạng chăn nuôi tại các nông hộ và các mắt xích liên quan đến chăn nuôi bò thịt cho thấy, chăn nuôi bò lai nông hộ quy mô nhỏ ở Quảng Ngãi vẫn chiếm tỷ lệ cao. Phổ biến là chăn nuôi bò nhốt hoàn toàn kết hợp bổ sung thức ăn tinh tại chuồng, chiếm 85,1% số hộ chăn nuôi bò. Đàn bò lai sinh sản của nông hộ chủ yếu là giống bò lai Brahman, chiếm 60,9% tổng đàn bò sinh sản của hộ. Bò thịt nuôi trong nông hộ phần lớn là giống bò lai BBB (64,2%) và lai Charolais (16,2%). Nông hộ chăn nuôi và cung ứng ra thị trường trung bình 1,2 con bò thịt và 0,5 con bê. Tuổi bò thịt xuất bán trung bình là 18,4 tháng tuổi, tuổi bê bán trung bình là 6,3 tháng tuổi.
Bò thịt nuôi trong nông hộ tại Quảng Ngãi được tiêu thụ trong tỉnh chiếm 61% tổng số lượng bò thịt xuất chuồng; 39% số lượng bò được thu gom, vận chuyển đến các lò mổ ngoài tỉnh như Đà Nẵng, Nghệ An. Thịt bò giết mổ và tiêu thụ tại Quảng Ngãi chủ yếu là các loại bò lai, chiếm 94,7% tổng lượng thịt tiêu thụ trong tỉnh. Chuỗi cung ứng thịt bò ở Quảng Ngãi có 3 kênh tiêu thụ chính, gồm 32% được bán lẻ cho người tiêu dùng tại các chợ địa phương, 51% được tiêu thụ bởi các quán ăn và nhà hàng trong tỉnh và 17% lượng thịt bò được chế biến thành thịt bò khô. Riêng về thông tin thị trường, kỹ năng định giá bán bò của thương lái, người dân còn hạn chế; việc liên kết tiêu thụ còn yếu, kỹ thuật chăn nuôi hạn chế, thiếu nguồn thức ăn cho bò vào mùa mưa và dịch bệnh trên đàn bò thường xảy ra.
Sản phẩm của đề tài gồm cơ sở dữ liệu về năng suất thịt của các tổ hợp bò lai (gồm BBB, lai Droughtmaster, lai Red Angus và lai Charolais) với các chỉ tiêu về tỷ lệ thịt xẻ, tỷ lệ thịt tinh, độ dày mỡ lưng, diện tích mắt thịt, tỷ lệ thịt thăn, tỷ lệ thịt đùi, tỷ lệ xương, tỷ lệ mỡ. Cơ sở dữ liệu về chất lượng thịt của các tổ hợp bò lai với các chỉ tiêu: tỷ lệ mỡ dắt, độ mềm, pH, màu sắc, mất nước bảo quản, mất nước chế biến, khả năng giữ nước, thành phần hóa học của thịt. Ngoài ra đánh giá giá trị người tiêu dùng về cảm nhận chất lượng thịt bò như độ tươi, độ sáng, độ dai, hương vị.
Tại hội nghị, PGS.TS. Đinh Văn Dũng đã đề xuất các giải pháp nên xem xét áp dụng để ngành chăn nuôi bò thịt ở Quảng Ngãi phát triển bền vững hơn:
– Về quan điểm phát triển: Phải xuốt suốt quan điểm xem bò thịt là sản phẩm chủ lực của tỉnh, chăn nuôi bò thịt phải trở thành ngành chăn nuôi hàng hoá. Trong đó đặc biệt chú trọng sự ổn định về số lượng và chất lượng đàn bò.
– Về tổ chức sản xuất: Cần xây dựng vùng chăn nuôi chuyên canh, đối với nông hộ nhỏ tập trung chăn nuôi bò sinh sản, bê sinh ra bán lúc 5-6 tháng tuổi. Công đoạn chăn nuôi bò sinh trưởng và chăn nuôi bò giai đoạn kết thúc nên nuôi tập trung ở các trang trại vừa và lớn; Xây dựng các tổ chức chăn nuôi bò (tổ hợp tác, hợp tác xã, công ty chăn nuôi, …), qua đó để tạo thành chuỗi kết nối giữa đầu vào và đàu ra chăn nuôi bò thịt, nhắm tới thị trường mục tiêu (xem xét thị trường Đà Nẵng), tránh tình trạng người chăn nuôi vẫn còn “cô đơn” trong việc bán bò như hiện nay.
– Về quản lý chăm sóc, nuôi dưỡng: Thực hiện đúng quy trình chăn nuôi theo giai đoạn sinh trưởng của bò nhằm hướng tới chất lượng ổn định.
Hội nghị kết thúc vào lúc 11h cùng ngày.