Họp Hội đồng xét duyệt hồ sơ đăng ký về đạo đức với động vật trong nghiên cứu

0
229

Chiều ngày 24.8.2021, tại trường Đại học Nông Lâm (ĐHNL), Đại học Huế (ĐHH), Hội đồng Tư vấn về đạo đức với động vật trong nghiên cứu đã tổ chức họp xét hồ sơ đăng ký phê duyệt về đạo đức với động vật nghiên cứu đợt 1 năm 2021.

Toàn cảnh buổi họp – Điểm cầu Trường ĐHNL, ĐHH

Tham dự buổi họp, về phía trường ĐHNL, ĐHH có: GS.TS. Lê Đình Phùng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường – Chủ tịch Hội đồng; Các thành viên trong Hội đồng Tư vấn về đạo đức với động vật trong nghiên cứu nhiệm kỳ 2021 – 2026 và các chủ nhiệm hồ sơ đăng ký phê duyệt về đạo đức với động vật nghiên cứu đến từ Trường ĐHNL và Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế.

GS.TS. Lê Đình Phùng – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn về đạo đức với động vật trong nghiên cứu phát biểu

Sau hơn 03 tháng thành lập, Hội đồng đã đi vào hoạt động hiệu quả, lập kế hoạch, tiến trình cụ thể, xây dựng các quy chế về xét duyệt và quản lý đề tài nghiên cứu khoa học…Đây là phiên họp đầu tiên xét hồ sơ đăng ký phê duyệt về đạo đức với động vật nghiên cứu. Tổng hồ sơ xét duyệt lần này bao gồm 06 hồ sơ của 03 nhà khoa học đến từ Trường ĐHNL (ThS. Nguyễn Tử Minh và ThS. Võ Đức Nghĩa) và Đại học Y Dược (ThS. Bùi Lê Thành Nhàn), Đại học Huế.

Tại buổi họp, các chủ nhiệm hồ sơ lần lượt báo cáo tóm tắt với Hội đồng các hoạt động liên quan đến việc đảm bảo quyền lợi của động vật sử dụng trong nghiên cứu. Sau đó, thành viên Hội đồng nhận xét, phản biện, góp ý và thảo luận, trao đổi với chủ nhiệm hồ sơ nhằm đảm bảo các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức trong việc đối xử với động vật trong nghiên cứu. Các nội dung chính được Hội đồng góp ý gồm: (i) Hoạt động, hành vi sử dụng động vật làm thí nghiệm liên quan đến đạo đức và vật quyền (gây ra đau đớn, stress, thay đổi hành vi do vật lý hoặc hóa chất tác động…); (ii) Các trường hợp điều trị cấp cứu, trợ tử, giết động vật theo cách nhân đạo nhất; (iii) Đánh giá mức độ rủi ro, lợi ích và nguy cơ dự kiến cho động vật sử dụng trong nghiên cứu, cân nhắc lợi ích – nguy cơ; (iv) Sự phù hợp của các phương pháp, biện pháp sử dụng trong nghiên cứu với các nguyên tắc đối xử nhân đạo với động vật; (v) Sự phù hợp số lượng loài động vật, số con trong từng loài động vật sử dụng trong nghiên cứu, và (vi) Sự phù hợp về năng lực của nghiên cứu viên đối với nghiên cứu.

 

Thành viên Hội đồng Tư vấn về đạo đức với động vật trong nghiên cứu nhận xét, góp ý cho các chủ nhiệm hồ sơ đăng ký

Buổi họp xét duyệt đã diễn ra thành công, các chủ nhiệm hồ sơ đã nhận được nhiều ý kiến tư vấn hữu ích từ phía các thành viên của Hội đồng. Đây là bước tiên phong của Trường ĐHNL nói riêng, cũng như ĐHH nói chung về đối xử nhân đạo với động vật, thể hiện một bước tiến lớn hướng tới quy trình chuyên nghiệp, nhân văn, bắt nhịp với xu hướng của thế giới.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here