Những người thầy tìm học bổng cho trò

0
239

Hàng trăm sinh viên được hỗ trợ kinh phí học tập và ngay tại khoa cũng ra đời quỹ học bổng. Đó là điều chưa nhiều đơn vị làm được nhưng lại là câu chuyện mà các thầy, cô ở Khoa Chăn nuôi – Thú y, Trường đại học (ĐH) Nông lâm, ĐH Huế chung sức duy trì những năm qua.

PGS. TS. Nguyễn Xuân Bả, Trưởng khoa Chăn nuôi – Thú y (áo xanh, giữa) cùng các giảng viên trong khoa trò chuyện, thăm hỏi sinh viên

Nỗ lực của người thầy

Năm 2015, bên cạnh học bổng mà trường vận động, các cán bộ, giảng viên Khoa Chăn nuôi – Thú y bắt đầu tìm thêm nguồn hỗ trợ cho sinh viên. PGS. TS. Nguyễn Xuân Bả, Trưởng khoa, cho biết mỗi lần gặp cựu sinh viên thành đạt hay đến doanh nghiệp công tác, chủ đề gắn kết tạo học bổng cho sinh viên vượt qua khó khăn lại được các thầy đề cập bên lề chủ đề chính. Nguồn học bổng từ hơn 10 doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức phi chính phủ và quỹ học bổng “Chắp cánh ước mơ” cũng ra đời từ đó.

Gần 4 năm vận động, đã có khoảng 300 sinh viên nghèo được giúp đỡ với tổng kinh phí gần 1,6 tỷ đồng. PGS. TS. Nguyễn Xuân Bả tâm sự, đa số sinh viên của khoa xuất thân từ vùng nông thôn, miền núi, gia đình khó khăn nhưng đam mê học tập. Trực tiếp chứng kiến, thấu hiểu khó khăn của sinh viên nên việc vận động của các cán bộ, giảng viên trong khoa trở thành niềm vui, chẳng ai nghĩ đến vất vả. “Khó nhất là lựa chọn sinh viên nhận học bổng. Tham vọng giúp đỡ nhiều nhưng nguồn lực có hạn nên phải đắn đo, công tâm. Có nguồn học bổng, chúng tôi phải họp hàng giờ để bàn bạc, tìm ra người xứng đáng nhất”, ông Bả kể.

Hồ Thị Tiên, sinh viên năm 3 Khoa Chăn nuôi – Thú y, Trường ĐH Nông lâm chia sẻ, ngoài sự hỗ trợ học phí, em còn nhận được học bổng 3 triệu đồng/tháng để trang trải đời sống sinh viên và gửi về cho anh trai chữa bệnh. Điều kiện để giữ được học bổng này là phải nằm trong top 3 của ngành đã trở thành động lực để em nỗ lực học tập, rèn luyện.

Nhiều sinh viên ở khoa Chăn nuôi – Thú y được “tiếp sức” từ quỹ học bổng “Chắp cánh ước mơ”

Còn nhiều trăn trở

TS. Đinh Văn Dũng, giảng viên của khoa nhớ lại, năm 2017, anh cùng đồng nghiệp trực tiếp đến trao học bổng cho sinh viên mắc bệnh ung thư, điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Kinh phí hỗ trợ có hạn nhưng đã khiến gia đình sinh viên bật khóc vì cảm động. Thời điểm đó, chính anh và nhiều giảng viên khác cũng không ngăn được dòng nước mắt. “Đôi khi tự hỏi, trước sinh viên nghèo của khoa, chúng tôi đã làm được những gì để giúp họ”, anh Dũng nghẹn ngào.

So với giai đoạn đầu chủ yếu hỗ trợ các sinh viên mồ côi, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên đạt kết quả cao trong học tập, đến nay khoa đã mở rộng thêm diện đối tượng được giúp đỡ là sinh viên học giỏi thuộc các gia đình chính sách, gia đình có công cách mạng. Thế nhưng trong mong muốn của những thầy cô tại khoa, các nguồn học bổng trong tương lai phải bền vững và tăng số lượng, diện đối tượng được nhận. Vì thế, từ các thầy cô sắp đến tuổi nghỉ hưu đến giảng viên trẻ luôn trăn trở, tâm niệm tìm nguồn học bổng như là một nhiệm vụ quan trọng.

PGS. TS. Nguyễn Xuân Bả bộc bạch, việc làm của khoa Chăn nuôi – Thú y tuy chưa lớn, nhưng mong muốn phần nào lan tỏa đến các đơn vị khác để giúp được nhiều hơn sinh viên. Thời gian tới, ngoài phát huy hoạt động đang làm, khoa sẽ nỗ lực tìm các học bổng cho sinh viên trong trường và phối hợp các phòng ban tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ sinh viên.

PGS.TS. Trần Thanh Đức, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế đánh giá: “Khoa Chăn nuôi – Thú y kết nối doanh nghiệp, cựu sinh viên rất tốt và các thầy cô trong khoa nhiệt tình, năng động tìm học bổng cho sinh viên. Đặc biệt thầy giáo trưởng khoa là một cựu chiến binh, rất thấu hiểu sinh viên và tâm huyết, có nhiều hoạt động kết nối giúp đỡ sinh viên”.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here