Hội nghị triển khai dự án Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh “Ứng dụng Khoa học và Công nghệ phát triển đàn bò lai chuyên thịt trên nền bò cái lai Zebu tại tỉnh Thừa Thiên Huế”

0
132

Với  phương  châm  “dân  biết, dân  bàn, dân  làm, dân  kiểm  tra, đánh  giá  và  dân  hưởng  lợi”, trong hai ngày 10 và 11/02/2023, Hội nghị triển khai dự án KH&CN cấp tỉnh “Ứng dụng Khoa học và Công nghệ phát triển đàn bò lai chuyên thịt trên nền bò cái lai Zebu tại tỉnh Thừa Thiên Huế” đã được tiến hành tại huyện Phong Điền (ngày 10/02) và thị xã Hương Thủy (ngày 10/02), tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự án do Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế chủ trì, PGS.TS. Đinh Văn Dũng làm chủ nhiệm, thời gian thực hiện là 36 tháng (từ 2022-2025).

Toàn cảnh hội nghị

Tham dự hội nghị ở mỗi địa phương, có đại diện sở Khoa học và Công nghệ Tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện chi cục Chăn nuôi Thú y, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thừa Thiên Huế, Công ty cổ phần vật tư Nông nghiệp Thừa Thiên Huế, Phòng Kinh tế Thị xã Hương Thuỷ, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Phong Điền, đại diện phòng KH, HTQT và TTTV, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, đại diện các đơn vị phối hợp và ban chủ nhiệm dự án. Đặc biệt, hội nghị có sự tham gia của 50 hộ chăn nuôi bò trên địa bàn thị xã và đại diện chính quyền địa phương.

Tại hội nghị, PGS. TS. Nguyễn Xuân Bả đại diện nhóm thực hiện dự án đã trình bày các mục tiêu và kế hoạch thực hiện của dự án trong thời gian triển khai tại địa phương. Mục tiêu của dự án là ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ về giống, dinh dưỡng và quy trình chăn nuôi để chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, bảo vệ môi trường, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Để tạo được đàn bò lai chuyên thịt trên nền bò cái lai Zebu ở Thừa Thiên Huế có khối lượng, tỷ lệ thịt xẻ tăng từ 1,3 đến 1,5 lần so với bò lai Zebu, dự án sẽ thực hiện phối giống thành công cho khoảng 650 lượt bò cái, tạo ra ít nhất 585 con bê lai chuyên thịt có năng suất cao. Trong đó, các tổ hợp bò lai sẽ được phối giống và được nuôi tại tỉnh Thừa Thiên Huế bao gồm: Charolais ´ Lai Zebu, Droughtmaster ´ Lai Zebu và Red Angus ´ Zebu. Bên cạnh đó, dự án sẽ thực hiện đào tạo cho 15 cán bộ kỹ thuật, 200 lượt người chăn nuôi được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò thịt.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Bả trình bày các nội dung của dự án tại  Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hưng – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y, ông Châu Ngọc Phi – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông đã đánh giá cao ý nghĩa khoa học và thực tiễn của dự án. Ông hy vọng dự án được triển khai sẽ tạo được đàn bò lai có năng suất và chất lượng của đàn bò tại địa bàn thực hiện nói riêng và ở tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung, thông qua việc thực hiện dự án, thị trường bán bò sống được mở rộng, giá bò hơi cao hơn bò địa phương hoặc bò lai Zebu, do vậy đem lại lợi ích kinh tế cho người chăn nuôi. Từ đó giúp người chăn nuôi ổn định cuộc sống, đảm bảo phát triển kinh tế xã hội.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y phát biểu tại hội nghị

Ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông phát biểu tại hội nghị

Đại diện địa phương phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị cũng đã lắng nghe ý kiến từ các hộ chăn nuôi bò và đại diện chính quyền các xã, phường trên hai địa bàn triển khai dự án là Phong Điền và Hương Thuỷ. Qua đó, chính quyền và người chăn nuôi bò rất ủng hộ khi dự án lựa chọn địa bàn của địa phương để triển khai. Địa phương mong muốn dự án sớm được triển khai để người được tập huấn về kỹ thuật, sự hỗ trợ về giống, thức ăn cũng như sớm tiếp cận được tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò.

Trao đổi với người dân chăn nuôi tham gia hội nghị

Phát biểu tổng kết hội nghị, PGS.TS. Đinh Văn Dũng- chủ nhiệm dự án đã đánh giá cao sự quan tâm của của các ban ngành địa phương, của người dân về các nội dung của dự án. Đồng thời bày tỏ sự quyết tâm thực hiện dự án đảm bảo các mục tiêu đề ra, góp phần phát triển hơn nữa ngành chăn nuôi bò thịt tại Thừa Thiên Huế.

PGS.TS. Đinh Văn Dũng, chủ nhiệm dự án phát biểu tại Hội nghị

Khoa  CNTY, 2/2023

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here