Chiều ngày 19.5.2020, trường Đại học Nông Lâm (ĐHNL), Đại học Huế (ĐHH) đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (TTH). Đoàn công tác trường ĐHNL, ĐHH gồm các thầy trong Ban thường vụ, Ban giám hiệu, trưởng các khoa và phòng KHCN, HTQT và TTTV do PGS.TS. Trần Thanh Đức, hiệu trưởng nhà trường làm trưởng đoàn dưới sự tham gia chỉ đạo của Ban giám đốc Đại học Huế: PGS.TS. Nguyễn Quang Linh – Giám đốc; PGS.TS. Huỳnh Văn Chương – PGĐ ĐHH.
Về phía lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có: Ông Nguyễn Văn Phương – UVBTV, Phó Chủ tịch, Ông Phan Thiên Định – Phó Chủ tịch UBND tỉnh TTH cùng lãnh đạo các sở, ban ngành, chi cục.
Mục đích của buổi làm việc là tăng cường hợp tác NCKH và chuyển giao công nghệ (CGCN), củng cố và nâng cao vai trò của Nhà trường trong công cuộc phát triển nông nghiệp và nông thôn tại tỉnh TTH. PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, BTĐU, GĐ ĐHH đã đánh giá cao sự cố gắng của trường ĐHNL và sự đồng hành của tỉnh TTH. Theo PGS. trong thời gian đến các trường thành viên khác của ĐHH cũng sẽ có các cuộc làm việc với tỉnh TTH. PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, BTĐU trường ĐHNL mong muốn sau cuộc làm việc giữa Nhà trường và UBND tỉnh, hai bên sẽ có 01 chương trình hành động cụ thể về hợp tác NCKH và CGCN.
PGS.TS. Lê Đình Phùng – Phó Hiệu trưởng nhà trường đã trình bày về tiềm lực KHCN của Nhà trường, các nhiệm vụ KHCN nổi bật của Nhà trường đã thực hiện tại tỉnh TTH. Trong 5 năm qua, Nhà trường đã thực hiện 40 nhiệm vụ khoa học trên địa bàn tỉnh. Nhiều đơn vị của Nhà trường đã có đóng góp tích cực cho công cuộc xoá đói giảm nghèo trước đây và ngày nay là NCKH và CGCN như Khoa Thuỷ sản, Khoa Nông Học, Khoa Chăn Nuôi Thú Y, Khoa Cơ Khí và Công Nghệ… và đặc biệt là Trung Tâm Phát Triển Nông Thôn Miền Trung đã triển khai 95 nhiệm vụ với kinh phí gần 100 tỷ đồng trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến nay. Tuy nhiên, các nhiệm vụ KHCN còn đơn lẻ, chưa tạo thành chuổi, chưa gắn kết nhiều với thị trường, chưa giải quyết các vấn đề một cách có hệ thống.
Trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của Nhà trường, lợi thế cạnh tranh của tỉnh TTH, PGS.TS. Lê Đình Phùng đã thay mặt lãnh đạo nhà trường đề xuất 30 nhiệm vụ KHCN khác nhau và 10 chương trình KHCN nhằm phát triển nông nghiệp và kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Các chương trình trọng điểm như phát triển các sản phẩm thuỷ sản đặc trưng như cá Dìa, cá Nâu, cá Ong Bầu… của vùng đầm phá Tam Giang Cầu Hai gắn với khôi phục sinh thái và phát triển du lịch cộng đồng; Áp dụng tiến bộ KHKT vào công nghệ chế biến và bảo quản nhằm đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm đặc trưng tại TTH như ThanhTrà, Sen Huế, Gạo đặc sản..; Xây dựng và phát triển dược liệu đặc trưng TTH; Phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao… Các chương trình này tiếp cận theo chuỗi, hướng đến người tiêu thụ, hướng đến thị trường, từ sản xuất đến người tiêu dùng.
Sau khi nghe bản trình bày, đại diện lãnh đạo các sở ban ngành như Sở NN và PTNT, sở KHCN, Sở KHĐT, Sở Tài Chính đã đánh giá cao sự đóng góp của Nhà trường vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp và kinh tế xã hội của tỉnh TTH trong thời gian qua. Các đề xuất nhiệm vụ KHCN cũng như các chương trình mà Nhà trường đề xuất phù hợp với nhu cầu thực tiễn của tỉnh TTH. Lãnh đạo các Sở Ban ngành cũng đã đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh TTH về tăng cường hợp tác với Nhà trường.
Ông Phan Thiên Định – Phó chủ tịch UBND tỉnh TTH bày tỏ sự cần phải có biên bản ghi nhớ hợp tác giữa 2 bên. Đồng thời phải có kế hoạch cụ thể theo hàng năm như: Tham vấn các chính sách; NCKH theo đặt hàng; Hỗ trợ triển khai các dự án đầu tư trong nước; Hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển HTX nông nghiệp.
Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS. Trần Thanh Đức – Hiệu trưởng trường ĐHNL, ĐHH nhận định những tiềm năng trong nông nghiệp của tỉnh nhà. PGS.TS hy vọng trong thời gian tới, trường ĐHNL được tiếp tục giao nhiệm vụ, tham gia đề xuất ý tưởng. PGS cho rằng sắp tới cần nâng cao chất lượng sản phẩm theo đề án tái cấu trúc của tỉnh, đặc biệt tập trung vào các sản phẩm chủ yếu, có thương hiệu của tỉnh Thừa Thiên Huế. Bên cạnh đó, PGS.TS cũng mong muốn được hợp tác với tỉnh nhà trong đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề cho nông dân như đào tạo nghề ngắn hạn, nâng cao năng lực cho đội ngũ của địa phương, đào tạo nghề trong nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Phương, UVBTV, Phó chủ tịch UBND tỉnh TTH đã đánh giá cao sự đóng góp của Nhà trường và kết luận giao cho Sở NN và PTNT phối hợp với các Sở Ban ngành khác đặc biệt là Sở KHCN, và Nhà trường xây dựng kế hoạch hợp tác cụ thể trong 5 năm. Bản kế hoạch đề cập cụ thể các nhiệm vụ, các sản phẩm, các đặt hàng của tỉnh với Nhà trường, bản kế hoạch cũng đề cập những đóng góp của Nhà trường nói riêng, của ĐHH nói chung; định kỳ 6 tháng một lần sẽ có cuộc làm việc giữa tỉnh và Nhà trường để đánh giá, giám sát các hoạt động triển khai cũng như đề xuất kế hoạch hành động tiếp theo.