Sáng ngày 10/5/2018, tại Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế đã diễn ra buổi nghiệm thu chính thức đề tài KH&CN cấp Đại học Huế.
Tại buổi nghiệm thu đề tài, các thành viên Hội đồng và các nhà chuyên môn đã đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài và kết quả xếp loại: TỐT.
1. Thông tin chung:
Tên đề tài: Nghiên cứu biến đổi bệnh lý niêm mạc ruột non của lợn con theo mẹ bị tiêu chảy do E.coli và mức độ phục hồi niêm mạc ruột sau điều trị; Mã số: DHH2016-02-74
Chủ nhiệm đề tài: TS. BSTY. Vũ Văn Hải
Tel: 0946949170
Email: vuvanhai@huaf.edu.vn hai.vuvan@gmail.com
Cơ quan chủ trì đề tài: Trường Đại học Nông Lâm, ĐHH
Thời gian thực hiện: Từ tháng 1 năm 2016 đến tháng 12 năm 2017
2. Mục tiêu:
Đánh giá mức độ tổn thương ruột non do E.coligây ra ở lợn con theo mẹ bị nhiễm bệnh tự nhiên, nghiên cứu mức độ hồi phục của niêm mạc sau quá trình điều trị nhằm hạn chế tối đa tình trạng còi cọc và chậm lớn của lợn con bị tiêu chảy.
Đề tài đã được thực hiện trong hai năm tại phòng thí nghiệm bộ môn Thú y học Lâm sàng và Bệnh xá Thú y, khoa Chăn nuôi – Thú y. Để tiến hành nghiên cứu này, tình hình tiêu chảy ở lợn con tại một số phường thuộc Thị Xã Hương trà, tỉnh Thừa Thiên Huế được khảo sát. Trong phần nghiên cứu bệnh lý đại thể và vi thể, 18 lợn con ở 3 độ tuổi khác nhau (3, 7 và 21 ngày tuổi) bị tiêu chảy (n=3 ở mỗi độ tuổi) và bình thường (n=3 ở mỗi độ tuổi) được mổ khám kiểm tra bệnh tích đại thể và lấy mẫu để kiểm tra bệnh tích vi thể. Sau khi kiểm tra bệnh tích đại thể và đo chiều dài ruột, mẫu ruột non ở giữa của mỗi đoạn tá tràng, không tràng và hồi tràng được thu thập và tiến hành bảo quản, xử lý, đúc khuôn và cắt thành lát mỏng bằng máy cắt mô (microtome) trước khi được nhuộm bằng thuốc nhuộm Eosin và Hematoxylin và quan sát dưới kính hiển vi quang học.
Để đánh giá sự phục hồi niêm mạc ruột non sau điều trị, những lợn con F1 (MCxLandrace) bị mắc bệnh lúc 3 ngày tuổi có trọng lượng tương đương nhau và có điều kiện chăm sóc tương đối giống nhau (nuôi trong điều kiện nông hộ, đang theo mẹ, chế độ tiêm sắt và tiêm phòng, điều kiện chuồng trại và thức ăn cho con mẹ) được chọn làm thí nghiệm. Những lợn bị bệnh này được điều trị bằng cách dùng men tiêu hóa kết hợp với thảo dược (phác đồ 1) hoặc men tiêu hóa kết hợp với kháng sinh (phác đồ 2) (n=30/phác đồ). Chiều cao của lớp lông nhung (villous height) và độ sâu của lớp tuyến ruột (crypt depth) của các đoạn tá tràng (duodenum), không tràng (jejunum) và hồi tràng (ileum) ruột non cũng như tỷ số chiều cao lông nhung/độ sâu tuyến ruột của từng đoạn được đánh giá vào cuối giai đoạn theo dõi (ngày 21, n=3/lô thí nghiệm)
3. Kết luận:
Lợn bị tiêu chảy có những tổn thương nghiêm trọng lớp biểu mô niêm mạc ruột. Chiều cao lớp lông nhung đo được tại tá tràng, không tràng, hồi tràng của lợn con 3 ngày tuổi bị tiêu chảy và không bị tiêu chảy lần lượt là 638,8µm/724,9µm, 310µm/777,2µm và 285,3µm/789,9µm trong khi độ sâu của lớp tuyến ruột lượt là 148,1µm/111,1µm, 153,63µm/148,1µm và 172,2µm/106µm. Sự tổn thương này có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, hậu quả có thể là dẫn đến hiện tượng còi cọc, chậm lớn hoặc thậm chí là tử vong. Phác đồ điều 2 có ưu thế hơn phác đồ điều trị 1. Cụ thể ở đoạn không tràng, chiều cao của lớp lông nhung và tỷ lệ chiều cao lông nhung/độ sâu tuyến ruột lớn hơn ở nhóm lợn con được điều trị bằng phác đồ 2 (431,89 µm và 4,05) so với ở nhóm lợn con được điều trị bằng phác đồ 1 (397,33 µm và 3,3) (p<0,05). Chiều cao lông nhung ở những lợn được điều trị đều thấp hơn so với ở lợn con bình thường (P<0,05). Kết quả này cho thấy dù lợn con mắc tiêu chảy được điều trị khỏi thì lớp lông nhung vẫn phần nào bị ảnh hưởng, dẫn đến khả năng hấp thu chất dinh dưỡng cũng có thể bị ảnh hưởng theo. Do đó, nên phòng tiêu chảy cho lợn con thay vì điều trị để tránh những ảnh hưởng đến sức khỏe và tăng trọng của chúng về sau.
4. Sản phẩm:
– Bài báo:
Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Vũ Văn Hải, Hoàng Chung. biẾn đỔi bỆnh lý niêm mẠc ruỘt non cỦa lỢn con theo mẸ bỊ tiêu chẢy do E.coli. Tạp chí Khoa học- Đại học Huế (Hue University Journal of Science). Tập 126, số 3A, 2017, Trang: 53-60. ISSN: 1859-1388.
Poster: Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Vũ Văn Hải, Hoàng Chung. Nghiên cứu biến đổi bệnh lý niêm mạc ruột non của lợn con theo mẹ bị tiêu chảy do E.coli. Hội nghị khoa học trường Đại học Nông Lâm Huế năm 2017.
– Đào tạo:
Trong quá trình thực hiện đề tài, 1 học viên cao học (Nguyễn Thị Quỳnh Anh) đã hoàn thành và bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp thác sỹ, 3 sinh viên lớp TY45 (Phạm Thanh Tâm, Phan Thị Hưng, Võ Thị Liền) đã hoàn thành khóa luận tốt nghiệp. Ngoài ra, 2 sinh viên lớp TY47 đang thực hiện đề tài tốt nghiệp với nội dung liên quan đến đề tài nghiên cứu này. Thêm vào đó, các lát cắt tiêu bản được làm ra từ đề tài này sẽ được sử dụng để giảng dạy sinh viên chuyên ngành Thú y trong học phần Bệnh lý học Thú y và chẩn đoán bệnh Thú y.
5. Hiệu quả, phương thức chuyển giao kết quả nghiên cứu và khả năng áp dụng:
Kết quả nghiên cứu là cơ sở dữ liệu hỗ trợ các bác sỹ thú y, các nhà khoa học, người chăn nuôi trong việc chẩn đoán và điều trị tiêu chảy ở lợn con theo mẹ. Do đó kết quả nghiên cứu này có thể được áp dụng tại không chỉ các cơ sở đào tạo mà còn tại các cơ sở nghiên cứu cũng như tại thực địa sản xuất.