Lịch sử hình thành và phát triển Khoa Chăn nuôi – Thú y

0
443

LỜI NÓI ĐẦU

Khoa Chăn nuôi Thú y, trường Đại học Nông Lâm Huế đã trãi qua 50 năm (1967-2017) hình thành và phát triển. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, tập thể cán bộ khoa Chăn nuôi Thú y biên tập cuốn kỷ yếu “Khoa Chăn nuôi Thú y – 50 năm một chặng đương…” nhằm nhìn lại chặng đường đã đi qua và định hướng cho sự phát triển tương lai và cũng là dịp để các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên tự hào ôn lại truyền thống vẻ vang của Khoa, nơi một thời đã hoặc đang học tập và công tác; đồng thời, cổ vũ, động viên lớp lớp thế hệ cán bộ, giảng viên và sinh viên gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp và các thành tựu đã đạt được để tiếp tục phát triển hơn nữa trong chặng đường tiếp theo.

Cuốn kỷ yếu được chia thành các phần chính:

Phần thứ 1: Khoa Chăn nuôi Thú y “50 năm một chặng đường…” nhằm ghi lại lịch sử hình thành và phát triển của Khoa trong sự nghiệp đào tạo; nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Phần thứ 2: Cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực, sứ mạng và nhiệm vụ của khoa Chăn nuôi Thú y và các đơn vị trực thuộc.

Phần thứ 3: Ký ức, những kỷ niệm của các thầy cô giáo, cựu sinh viên và sinh viên.

Phần thứ 4: Phụ lục: Danh sách lãnh đạo, cán bộ khoa Chăn nuôi Thú y qua các thời kỳ; danh sách nhà giáo ưu tú; GS; PGS; TS và các tiến sĩ; ThS được đào tạo từ khoa; Biểu đồ số lượng sinh viên chính quy của khoa qua các năm.

Trong quá trình biên soạn chúng tôi đã nhận được sự động viên, giúp đỡ quý báu của các thầy, cô giáo đã và đang công tác tại khoa và đã nhận được những tư liệu, thông tin từ quý thầy, cô giáo, cựu sinh viên của khoa. Việc biên soạn kỷ yếu đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, trí tuệ, đặc biệt những sự kiện diễn ra trong lịch sử mà cần có tư liệu chính xác. Ban biên tập đã thừa kế những tư liệu hiện có từ cuốn kỷ yếu 40 năm và các nguồn thông tin từ quý thầy cô, song do hạn chế về thời gian, tư liệu nên cuốn kỷ yếu không sao tránh khỏi những thiếu sót. Ban biên tập rất mong nhận được những góp ý chân tình, cụ thể của quý thầy cô giáo, sinh viên, học viên … để có được lần xuất bản sau hoàn thiện hơn.

Trân trọng cảm ơn!

PGS. TS Nguễn Xuân Bả,

Trưởng khoa Chăn nuôi Thú y, trường ĐHNL Huế

KHOA CHĂN NUÔI THÚ Y

“50 năm một chặng đường …”

Trong hoàn cảnh chiến tranh ngày càng ác liệt, Đảng và Chính phủ đã sớm nghĩ đến việc đào tạo một đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật “vừa hồng, vừa chuyên” để hướng dẫn bà con nông dân phát triển sản xuất, phục vụ chiến đấu, đồng thời chuẩn bị lực lượng xây dựng miền Nam sau ngày giải phóng. Vì vậy, trường Đại học Nông nghiệp 2 được ra đời trong hoàn cảnh đó. Trường được thành lập theo quyết định số 124 – CP ngày 14 tháng 8 năm 1967 của Thủ tướng Chính phủ, có nhiệm vụ đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp có trình độ Đại học, chủ yếu phục vụ cho các tỉnh phía Bắc miền Trung. Khoa Chăn nuôi-Thú y là một trong các khoa được thành lập cùng thời điểm này. Lúc bấy giờ, trường và khoa đóng tại huyện Việt Yên, tỉnh Hà Bắc (bây giờ là tỉnh Bắc Giang) với cơ sở vật chất nghèo nàn. Khái quát về giai đoạn này, thầy Trần Đình Miên có câu thơ:

Tranh, tre, nứa, lá trường tuy nhỏ

 Đào tạo con người sự nghiệp to”

GIAI ĐOẠN Ở HÀ BẮC 1967-1983

Ngay từ ngày đầu thành lập trường, khoa Chăn nuôi Thú y (CNTY) chưa có trường, lớp và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo nên sinh viên được sơ tán vào các thôn Sơn Quang, Đồng Môi, Cha Lý, Văn Xá. Thời kỳ này, tất cả phải nhờ vào dân, ngay họp khoa cũng phải ngồi trên phản, giường của dân và lớp học là đình chùa hay trụ sở hợp tác xã. Sau đó, được chuyển về khu Đồn Lương – địa điểm chính của trường (thuộc huyện Việt Yên). Khi mới chuyển về, cơ sở vật chất của trường cũng rất nghèo nàn: giảng đường, phòng thí nghiệm, chuồng trại, nhà ở đều bằng vách đất, tranh, tre, nứa, lá. Có thể nêu ra đây một hình ảnh hết sức cảm động: có thời, nhà ở của sinh viên không có tranh lợp, đành phải lợp bằng tấm cót, mà chỉ là cót ruột chứ không phải cót cật. Mỗi khi mưa xuống, các gái cũng như trai sinh viên chỉ còn biết dùng tấm ni lông che lấy giường và quần áo còn mình thì chịu ướt. Tuy khó khăn như vậy nhưng khoa ta vẫn tiến hành công tác đào tạo.

Công tác giảng dạy

Khoá học đầu tiên khai giảng vào tháng 10 năm 1967 và lúc này khoa CNTY đào tạo 2 ngành học: Chăn nuôi và Thú y. Trường và Khoa dành tuần lễ đầu tiên học chính trị đầu khóa với các nội dung:

– Đường lối chủ trương chống Mỹ cứu nước

– Chủ trương phát triển nông nghiệp thời chiến

– Các nghị quyết Trung ương về Đại học và nhiệm vụ năm học của Khoa

Sau đợt học tập chính trị, bắt đầu dạy và học các môn khoa học cơ bản: toán, lý, hóa, thực vật học, động vật học… của năm đầu và sau đó là các môn khoa học cơ sở và chuyên khoa. Có thể tóm tắt các môn học cơ sở và chuyên khoa của 2 ngành đào tạo như sau:

Ngành chăn nuôi: Giải phẫu, tổ chức-mô phôi, sinh lý, sinh hóa, di truyền giống, thống kê sinh vật học, nông hóa thổ nhưỡng, thức ăn và chế biến thức ăn gia súc, đồng cỏ, cơ khí hóa chăn nuôi, khí hậu thời tiết, các môn chuyên khoa: trâu, bò, lợn, dê, ngựa, gia cầm…

Ngành thú y: Vi sinh vật, ký sinh trùng, bệnh nội khoa, bệnh truyền nhiễm, vệ sinh thú y, thụ tinh nhân tạo…

Đến khóa 3 (1969), do yêu cầu thực tế nên 2 ngành này kết hợp thành một. Kể từ thời điểm đó, khoa CNTY chỉ đào tạo 1 chuyên ngành ở bậc đại học đó là ngành Chăn nuôi-Thú y. Hàng năm số lượng sinh viên tuyển vào khoảng 100. Đã có một thời sinh viên chỉ thích học ngành CNTY và số đơn chiếm gần 50% tổng số đơn xin thi vào trường.

Vào những ngày mới thành lập, các thầy giáo được điều động về khoa từ nhiều nơi khác nhau: trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (thầy Trần Phúc Thành…), trường Đại học Tổng hợp (thầy Lê Văn Tưởng…), trường Đại học Sư phạm, trường Trung cấp Nông Lâm Trung ương Hà Nội (thầy Đào Huy Địch, Trương Hoài Châu, Phan Duy Anh, Lê Quang Nghiệp, Phạm Thế Nghiệp, Lê Văn Thọ), trường Trung cấp Nông Lâm Trung ương Nghệ An (thầy Lê Viết Ly, Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Phước Tương, Lê Văn Tố, Trần Văn An, cô Chu Thị Bích Đào), và từ các trường Đại học ngoài nước về (thầy Lê Văn Liễn, Hoàng Gián, Nguyễn Văn Bảo, Trần Đình Miên)…

Vượt qua những khó khăn ban đầu, giáo viên của khoa dần dần được bổ sung, củng cố và trong thời gian còn ở Hà Bắc đã hình thành và ổn định tổ chức: Ban chủ nhiệm, Bộ môn Chăn nuôi chuyên khoa, Bộ môn Thú y cơ bản, Bộ môn Ký sinh trùng-Truyền nhiễm, Bộ môn Sinh lý-Giải phẫu, Bộ môn Sinh hóa-Thức ăn, Bộ môn Di truyền-Giống, Phòng thí nghiệm trung tâm…

Quán triệt nguyên lý “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”, khoa đã xác định:

– Nội dung các môn học phải bao gồm nội dung lý thuyết, thực hành, thực nghiệm của từng môn học; nội dung thực hành, thực tập ở trại trường, ở các hợp tác xã địa phương, ở các Nông trường quốc doanh.

– Thường xuyên bồi dưỡng tư tưởng, tác phong, phương pháp giảng dạy cho từng giáo viên, công nhân viên.

– Giáo viên xây dựng giáo án cho từng môn, từng bài giảng, tiến tới viết giáo trình cho từng môn và do nhà trường tự in và phân phối.

Chất lượng đào tạo: quản lý dạy và học, các quy chế thi, kiểm tra, xét tuyển lên lớp, kỹ năng thực hành… được đem ra toàn khoa thảo luận sôi nổi nhiều lần rồi cùng với các phòng chức năng xác lập đề cương hướng dẫn.

Khoa cũng đã chú trọng đến xây dựng trại trường với quan điểm rõ ràng đây là cơ sở để giảng dạy, học tập và là nơi giáo viên và học sinh thực hành và làm nền tảng cho nghiên cứu khoa học.

Khoa cũng sớm bắt tay vào việc xây dựng giáo án, viết giáo trình, cải tiến phương pháp giảng dạy. Giáo án giảng dạy được tổ hợp Khoa – Trường – Công đoàn kiểm tra trực tiếp ở lớp cho từng môn, từng giáo viên. Việc làm này đã giúp cho giáo viên không ngừng cải tiến phương pháp giảng dạy, đặc biệt là giáo viên mới. Công tác thi đua dạy tốt, học tốt được chú ý, cũng nhờ hoạt động này mà số lượng giáo viên dạy giỏi của khoa đã tăng lên qua từng năm. Về giáo trình, ban đầu sử dụng giáo trình của các trường bạn, rồi dần dần tự viết, tự in và tự chỉnh lý bổ sung qua từng khóa học. Nhiều thầy, cô của khoa đã tham gia viết giáo trình và tài liệu tham khảo. Một số giáo trình được in typo (hình thức in hiện đại thời bấy giờ) như: Giáo trình chọn giống và nhân giống gia súc của thầy Trần Đình Miên, Giáo trình di truyền động vật (2 tập) của thầy Trần Đình Miên và Hoàng Gián, Giáo trình chăn nuôi lợn của thầy Nguyễn Hiền, Giáo trình chăn nuôi đại cương của thầy Đặng Vũ Bình… Ngoài in typo, nhiều giáo trình đã được in roneo (in qua giấy nến), vì vậy, trong thời gian ở Hà Bắc phần lớn các môn học đều có giáo trình.

Công tác học tập

Theo phương châm “… đào tạo kỹ sư vừa hồng, vừa chuyên..” “học đi đôi với hành..”, khoa CNTY đã triển khai chủ trương của trường về việc đào tạo trên 4 địa bàn (sau này được thể hiện qua bài hát Mái trường thân yêu của Văn Ký):

  1. Địa bàn giảng đường (địa bàn 1): tại đây, sinh viên nghe giảng, ghi chép và thảo luận phần lý thuyết môn học cùng các thầy, cô giáo.
  2. Địa bàn phòng thí nghiệm (địa bàn 2): tại đây, sinh viên được thực hành các kỹ năng, kỹ thuật phân tích, sử dụng dụng cụ, máy móc rất hiếm thời ấy: kính hiển vi độ phóng đại lớn, điện di trên giấy và trên gel tinh bột, sắc ký, quang phổ… Đến 1978, phòng thí nghiệm của khoa được trang bị khá đầy đủ và hiện đại nhờ hợp tác với hiệp hội các trường đại học Hà Lan (NUFFIC).
  3. Địa bàn trại thực hành (địa bàn 3): tại đây, sinh viên được bổ sung thêm kiến thức, áp dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất, rèn luyện thao tác, tay nghề về chăn nuôi, thú y như nuôi dưỡng, chăm sóc, lập kế hoạch phát triển đàn gia súc, vệ sinh chuồng trại, tiêm, thiến, hoạn, thụ tinh nhân tạo, chẩn đoán và điều trị các loại bệnh. Trong một khóa học, sinh viên phải trải qua các công trình rèn nghề tổng hợp: trồng cây thức ăn gia súc (cỏ voi, bèo dâu, rau lấp…) – năm thứ 2, chăn nuôi lợn thịt – năm thứ 3 (mỗi lớp nuôi 100 con từ cai sữa đến xuất chuồng), ấp trứng và nuôi gà đến xuất bán – năm thứ 4. Trước khi thi tốt nghiệp, sinh viên phải thi đạt tay nghề công nhân bậc 4 (bậc tối đa là 7).
  4. Địa bàn hợp tác xã và Nông trường quốc doanh (địa bàn 4): Mỗi khóa học sinh viên đều có một số tuần lễ đi lao động, phục vụ sản xuất kết hợp với học tập nghề nghiệp tại các hợp tác xã hay nông trường, trạm, trại… Nhờ hoạt động này mà khoa CNTY đã xây dựng được mối quan hệ tốt với nhiều cơ sở sản xuất như Hợp tác xã (HTX) Thanh Phương (thị xã Bắc Ninh), HTX Ruồng Nguộn (Việt Yên), HTX Tân Cầu (Tân Yên), HTX Hồng Thái (Viêt Yên), HTX Tiên Hường (Vĩnh Phú)…, Nông trường Tam Đảo, Nông trường Ba Vì, Nông trường Mộc Châu, Xí nghiệp thuốc Thú y (Phùng, Hà Tây)… Ở Nông trường Ba Vì, khoa đã xây dựng nhà ở tạm cho cả giáo viên và sinh viên, và tại đó, mỗi lớp đã ở lại 2-3 tháng để học tập và phục vụ (khoảng 1973-1974).

Nhờ biết rõ điểm yếu về trang thiết bị phòng thí nghiệm mà khoa đã làm hết sức để gắn kết học lý thuyết với thực hành tại trại trường (thông qua trực trại), thực tập ở cơ sở sản xuất như hợp tác xã, nông trường… Học tập, giảng dạy kết hợp với sản xuất là một trong những điểm mạnh của khoa CNTY so với các khoa khác trong trường vào thời điểm bấy giờ.

Công tác nghiên cứu khoa học

Ngay từ khi mới thành lập Trường và Khoa đã chú ý kết hợp giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và lao động sản xuất. Trong những năm đó, Bộ Nông nghiệp đã quyết định cho triển khai hai đề tài lớn ở trường (trong đó, có một đề tài về chăn nuôi):

– Nghiên cứu thâm canh trên đất bạc màu trung du (bao gồm cơ cấu cây trồng giống lúa, giống màu, mùa vụ, tính chất đất…).

– Lai lợn kinh tế theo hướng sản xuất tổng hợp: lúa, lang, lạc, lợn để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Đề tài này sau đó được nâng lên thành đề tài Quốc gia.

Do đề tài đã đạt được nhiều kết quả tốt và được nhân dân trong khu vực ứng dụng vào thực tế, kết hợp với thành tích giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, quân sự… của trường và khoa; tỉnh Hà Bắc, Bộ Nông nghiệp, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp nhiều lần tặng thưởng cho trường và khoa CNTY, Thủ Tướng Chính phủ tặng bằng khen cho đề tài.

Đề tài “…lợn lai kinh tế…” của khoa kết hợp với các Viện, Trường khác thành đề tài lớn và được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.

Ngoài đề tài trên, khoa đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khác nhau về con bò vàng, con trâu nội, trâu Murha, con gà… Kết quả các nghiên cứu góp phần phục vụ sản xuất và làm phong phú tư liệu về vật nuôi bản địa, phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu sau này. Đặc biệt là công trình nghiên cứu một cách toàn diện và lần đầu tiên về con bò Vàng Việt Nam của thầy Lê Quang Nghiệp và con trâu nội của thầy Lê Viết Ly. Công tác nghiên cứu khoa học của khoa CNTY khá sôi nổi và thành công, chủ yếu là do xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của sản xuất và nhanh chóng đưa trở lại phục vụ sản xuất.

Công tác hợp tác quốc tế

Khoa CNTY là khoa đầu tiên của trường nhận được sự giúp đỡ và hợp tác của một trường Đại học danh tiếng trên thế giới: đó là trường Đại học Nông nghiệp Wageningen, Hà Lan. Ngay từ lúc đất nước vừa thống nhất, thầy Lê Viết Ly là người đầu tiên được mời sang thăm và đã mở đầu cho một sự hợp tác lâu dài và hiệu quả. Năm 1976, viện trợ khoa học đầu tiên đã đến với trường, đó là máy móc, dụng cụ trang bị cho phòng phân tích sữa tương đối hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, sinh viên của trường bạn cũng gửi tặng các bạn trẻ của trường ta một bộ nhạc cụ hiện đại và rất có giá trị gồm trống, kèn và các loại đàn. Bộ nhạc cụ này đã được sử dụng cho các lần hội diễn văn nghệ của trường sau này.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, năm 1979, khoa đã được tham gia dự án VH12 – một phần trong chương trình hợp tác lớn do khối các trường Đại học Hà Lan tài trợ (NUFFIC). Chủ nhiệm dự án phía Việt Nam là thầy Lê Viết Ly, phía Hà Lan là TS G. Montsma – Bộ môn chăn nuôi nhiệt đới trường Đại học Nông nghiệp Wageningen. Sau khi trường chuyển về Huế, thầy Trần Đình Từ và thầy Nguyễn Kim Đường tiếp tục làm chủ nhiệm dự án cho tới năm 1987. Điều lớn nhất mà dự án VH12 mang lại đó là trong lúc cần thiết nhất, nó đã giúp khoa đào tạo nguồn nhân lực – đội ngũ thầy giáo – đủ mạnh để tiếp cận với khoa học kỹ thuật tiên tiến từ nước ngoài. Nhiều cán bộ giảng dạy đã được nâng cao về chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ, trở thành nòng cốt của các bộ môn, như các thầy giáo Lê Viết Ly, Trần Đình Từ, Đặng Vũ Bình, Nguyễn Văn Bảo, Vũ Bình Minh, Nguyễn Văn Thuận, Đặng Tất Nhiễm, Đỗ Trọng Dư, Hoàng Thạch, Hoàng Nghĩa Duyệt, Nguyễn Văn Duệ, Lê Đức Ngoan, Nguyễn Tiến Vởn, Đàm Văn Tiện, Nguyễn Kim Xin, Phạm Khánh Từ, Trần Sáng Tạo, Trương Thanh Cảnh… Tính đến nay, đã có 18 cán bộ, giáo viên và gần 30 lượt người của khoa sang Hà lan tham gia các khóa đào tạo dài hạn (2 thạc sĩ, tiến sĩ) và ngắn hạn. Trên nền tảng của kiến thức và tiếng Anh được nâng lên từ chương trình VH12, sau này nhiều giáo viên đã đi học cao học và tiến sĩ ở Úc, Thụy Điển, Mỹ, Nhật Bản, Đức… Trong thời gian hợp tác, 7 phòng thí nghiệm của khoa được trang bị khá đầy đủ thiết bị hiện đại và khá đồng bộ. Có thể nói dự án hợp tác quốc tế VH12 là bước đột phá, mở đường cho các chương trình, dự án hợp tác quốc tế sau này của khoa và của nhà trường. Vị thế của trường đại học Nông nghiệp 2 và của khoa đã được nâng lên rất nhiều từ những hợp tác ban đầu này.

Công tác tổ chức

1967-1969: Ngay lúc mới thành lập, bác sĩ thú y Đào Duy Địch là trưởng Ban chăn nuôi Thú y trường trung cấp Nông Lâm Trung ương Hà Nội và kiêm chủ nhiệm khoa Chăn nuôi Thú y trường Đại học Nông nghiệp 2 trong lúc hai trường còn song song tồn tại chung một địa điểm.

1969-1971: Khi trường Trung cấp Nông Lâm Trung ương hoàn thành nhiệm vụ, bác Đào Duy Địch nghỉ quản lý (1969), thầy Trần Phúc Thành làm chủ nhiệm (chủ nhiệm khoa đầu tiên) và thầy Trương Hoài Châu phó chủ nhiệm khoa. Năm 1971, thầy Trần Phúc Thành chuyển công tác về Hà Nội, thầy Trương Hoài Châu phụ trách khoa và thầy Đỗ Xuân Tăng làm phó chủ nhiệm.

1971-1975: Thầy Trần Đình Miên (phó tiến sĩ nông nghiệp ở Liên Xô) làm chủ nhiệm khoa. Thầy Trương Hoài Châu và Đỗ Xuân Tăng làm phó chủ nhiệm khoa. Năm 1974, thầy Trương Hoài Châu chuyển sang làm phó chủ nhiệm khoa kinh tế, thầy Phan Duy Anh làm phó chủ nhiệm.

1975-1977: Năm 1975, thầy Trần Đình Miên tham gia ban quân quản thành phố Đà Lạt, thầy Phan Duy Anh làm quyền chủ nhiệm khoa. Sau đó, thầy Lê Văn Thọ (phó tiến sĩ ở Bungari) làm chủ nhiệm khoa, thầy Phan Duy Anh và Đỗ Xuân Tăng làm phó chủ nhiệm khoa. Năm 1977, thầy Phan Duy Anh chuyển sang làm Giám đốc trại thực hành của trường, thầy Hoàng Gián làm phó chủ nhiệm.

1977-1979: Thầy Lê Văn Thọ tiếp tục làm chủ nhiệm khoa, còn phó chủ nhiệm gồm thầy Hoàng Gián và thầy Đỗ Xuân Tăng và sau đó thầy Đỗ Xuân Tăng chuyển công tác về Thanh Hóa (1978) và thầy Lê Văn Thọ chuyển vào trường Cao đẳng Nông Lâm nghiệp Huế.

1980-1983: Thầy Lê Viết Ly – trưởng Phòng khoa học của trường chuyển về làm chủ nhiệm khoa, còn phó chủ nhiệm lúc đầu là thầy Hoàng Gián và thầy Nguyễn Văn Bảo (1980-1981), sau đó là thầy Hoàng Gián và thầy Trần Đình Từ (1981-1983). Khi chuyển trường vào Huế, thầy Hoàng Gián chuyển công tác về sở Nông nghiệp Thanh Hóa và thầy Lê Viết Ly chuyển về Viện chăn nuôi Quốc gia.

Hoạt động khác

Ngoài các công tác trên, Khoa còn tham gia tích cực vào hoạt động tự vệ trường. Cả khoa là một tiểu đoàn, mỗi lớp là một trung đội… được trang bị vũ khí đạn dược, luyện tập hàng năm, tổ chức canh gác, sẵn sàng chiến đấu… Nhiều sinh viên các khóa 1, 2, 3, 4 của khoa cùng một số giáo viên lần lượt lên đường nhập ngũ và có nhiều sinh viên đã hy sinh oanh liệt trên các chiến trường phía Nam của Tổ quốc.

Năm 1971, đê sông Hồng bị sạt lở phía Tả ngạn. Nhà trường bị nước lụt bao quanh, đường sá bế tắc hàng tuần. Mùa hè năm 1972, con sông Cầu lại đe dọa vỡ và đe dọa bị dội bom. Để đề phòng vỡ đê, giáo viên và sinh viên toàn khoa làm việc suốt ngày đêm cùng nhân dân huyện Việt Yên, đắp đập, tôn bờ chống lũ. Đồng thời, toàn khoa cũng tham gia công tác khắc phục lũ lụt ở các tỉnh Miền trung.

Cuối năm 1972, trường bị máy bay Mỹ ném xuống khu vực các lớp học 14 quả bom nổ chậm, bom từ trường, toàn trường và toàn khoa lại tổ chức cảnh giới không cho người qua lại cả ngày lẫn đêm hàng tuần liền cho đến khi địa bàn được giải tỏa. Sinh viên khoa ta lại một lần nữa sơ tán lên Ruồng Nguộn, Quán Rãnh… Thầy giáo Chính dạy môn hóa của khoa đã hy sinh trong dịp này.

Cuối năm 1979, thầy trò khoa ta lại lên đường tham gia giải quyết hậu quả chiến tranh, vệ sinh môi trường và phát triển chăn nuôi ở các tỉnh phía Bắc.

Để thực hiện phương châm đào tạo con người toàn diện, khoa CNTY hòa chung với toàn trường đã tổ chức phong trào văn nghệ hàng năm và luôn dẫn đầu về phong trào này. Nhiều bài hát ca ngợi trường, ca ngợi khoa được giáo viên của trường và các nhạc sĩ sáng tác. Một trong những bài hát của khoa khá phổ biến thời ấy – đến nay vẫn còn dư âm là bài “Con lợn lai” của thầy Nguyễn Đình Lan:

Con lợn là con lợn lai, nó to nó béo ấy nó dài nó cao, nó sinh ra từ khi nào?

Ai mà muốn biết xin ghé vào trường tôi, trường tôi Đại học Nông nghiệp 2

Nhiều giọng ca của cán bộ, giáo viên và sinh viên khoa CNTY như: Nguyễn Văn Thuận, Đoàn Liên, Vân Hà, Lê Nga, Minh Tâm… – là những cán bộ, giáo viên và sinh viên khoa CNTY – đã trở thành quen thuộc với khán, thính giả của trường nói riêng và cả nước nói chung trong các buổi phát thanh “khắp nơi ca hát” trên sóng của đài tiếng nói Việt Nam.

Hơn 15 năm hình thành và phát triển trên mảnh đất Hà Bắc, một thời kỳ đầy gian khổ với bom rơi đạn nổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, với sự uy hiếp của thiên tai… nhưng với sự đoàn kết nhất trí, nỗ lực vượt bậc, sáng tạo và kiên định của thầy và trò toàn khoa, chúng ta đã ghi một trang sử hào hùng vào sự phát triển của ngành Đào tạo, ngành Nông nghiệp và đặc biệt là vào lòng Đảng bộ và nhân dân Hà Bắc cũng như các tỉnh phía Bắc.

Trong thời kỳ này, khoa đã đào tạo 14 khóa với khoảng 1350 kỹ sư cho đất nước. Đáng tự hào biết bao các thế hệ thầy trò của khoa Chăn nuôi-Thú y thời kỳ ấy: 1967-1983.

THÀNH PHỐ HUẾ – GIAI ĐOẠN 1984 – 2017

Sau ngày thống nhất đất nước, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có quyết định số 213/CP ngày 5-8-1983, sát nhập trường Đại học Nông nghiệp 2 Hà Bắc với trường Cao đẳng Nông Lâm nghiệp Huế thành trường Đại học Nông nghiệp 2 Huế với nhiệm vụ tiếp tục đào tạo kỹ sư nông nghiệp cho cả miền Trung và Tây Nguyên. Như vậy, trường và khoa ta lại chuyển địa điểm vào thành phố Huế theo quyết định trên và sát nhập với ban CNTY của trường Cao đẳng Nông Lâm Huế được thành lập năm 1979 thành khoa CNTY, trường Đại học Nông nghiệp 2 Huế (xem Lịch sử trường ĐHNL Huế – 2007).

Có thể coi việc di chuyển khoa và trường từ Hà Bắc vào Huế là cả một chiến dịch – gần một năm; từ việc tiền trạm, đóng gói trang thiết bị thí nghiệm và đồ dùng gia đình cho đến việc nhiều thầy cô phải hàng tuần nằm trên các toa tàu hàng và ô tô để áp tải hàng đến nơi an toàn.

Công tác đào tạo

Do khó khăn trong việc chuyển trường, nên tất cả sinh viên khóa 15 và 16 phải gửi đào tạo tiếp tại trường Đại học Nông nghiệp 3 (Bắc Thái) và trường Đại học Nông nghiệp 1 (Hà Nội), còn khóa 14 chỉ thực tập tại miền Trung và thi tốt nghiệp tại trường Trung học Nông nghiệp Điện Bàn (Quảng Nam – Đà Nẵng). Sau đó, Khoa lại ngừng đào tạo 1 năm (không có khóa 18) để ổn định cơ sở vật chất.

Trong thời gian đầu sát nhập với trường Cao đẳng Nông Lâm nghiệp Huế, khoa còn tham gia đào tạo 2 lớp Cao đẳng chăn nuôi cuối cùng (CC4 và CC5).

Từ năm 1984-1994, khoa CNTY chỉ đào tạo ở bậc đại học với 1 chuyên ngành: Chăn nuôi Thú y. Số lượng sinh viên hàng năm khoảng 100 và đào tạo trong 4,5 năm.

Năm 1994, khoa mở đào tạo cao học ngành Chăn nuôi động vật nông nghiệp, sau này là chăn nuôi động vật (mã số 62.62.50.01). Hàng năm số học viên cao học 6-10 người.

Năm 1994, khoa đào tạo thêm ngành Thú y (5 năm) và ngành Nuôi trồng thủy sản (4 năm) ở bậc đại học và mỗi năm có khoảng 50 sinh viên cho mỗi ngành. Vì mở thêm ngành đào tạo thủy sản nên khoa CNTY đổi tên thành khoa Khoa học vật nuôi (KHVN).

Năm 1998, khoa tiến hành đào tạo tiến sĩ, chuyên ngành Chăn nuôi động vật (mã số 62.62.50.01), đến nay đã có 6 NCS bảo vệ thành công và 3 NCS đang tiếp tục làm đề tài luận án.

Năm 2002, khoa mở thêm ngành cao học Thú y (mã số: 60.62.50), mỗi năm có khoảng 5-7 học viên.

Năm 2005, bộ môn Nuôi trồng thủy sản được mở rộng và phát triển thành khoa Thủy sản, khoa KHVN lại đổi lại tên truyền thống: khoa Chăn nuôi Thú y.

Công tác nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất

Do sự thay đổi địa điểm nên mất một thời gian khoa chúng ta mới thực sự tiến hành một số công tác nghiên cứu khoa học phục vụ cho sản xuất ở miền Trung. Khoa ta là khoa đầu tiên được Bộ giao nhiệm vụ hoạch định chiến lược phát triển chăn nuôi ở miền Trung (từ Nghệ An đến Nghĩa Bình cũ). Chiến lược này là tiền đề cho phát triển chăn nuôi (như tăng đàn, tăng khả năng sản xuất của vật nôi) trong khu vực.

Khoa CNTY cũng là đơn vị đầu tiên thực hiện chương trình Móng Cái hóa đàn lợn nái, đào tạo dẫn tinh viên, đưa kỹ thuật trồng cỏ, nuôi bò sữa… mà hiện nay các Sở NN – PTNT cũng như các Trung tâm khuyến nông ở các tỉnh miền Trung đã và đang áp dụng và phát triển.

Đáng kể nhất là các điều tra, khảo sát với quy mô lớn nhằm đánh giá tiềm năng và trở ngại trong chăn nuôi ở khu vực này. Sau này, nhiều nghiên cứu tập trung vào vấn đề thức ăn gia súc (do hợp tác với SAREC – Thụy Điển và ACIAR-Úc), bệnh ký sinh trùng trâu bò, bệnh dịch tả lợn, và hệ thống chăn nuôi ở nông hộ. Kết quả đã được ứng dụng trực tiếp vào sản xuất có hiệu quả. Một số nghiên cứu cơ bản như cúm gia cầm, tập tính gia súc, bảo tồn vốn gene vật nuôi bản địa… đã và đang triển khai. Nhiều đề tài hợp tác quốc tế, đề tài Nhà nước, cấp bộ trọng điểm, cấp bộ và cấp trường và các đề tài liên kết đã được triển khai.

Để phục vụ cho nghiên cứu, bộ Giáo dục và Đào tạo và bộ Khoa học và Công nghệ đã đầu tư hơn 11 tỷ VND (năm 2004-2006) xây dựng Phòng thí nghiệm trọng điểm với thiết bị hiện đại đủ năng lực phân tích thức ăn và sản phẩm vật nuôi, chẩn đoán bệnh thú y và thủy sản… Trung tâm này trở thành trung tâm phân tich với thiết bị hiện đại bậc nhất miền Trung, có năng lực phân tích, xét nghiệm kịp thời cho hầu hết các loại mẫu, bệnh phẩm trong khu vực.

Công tác hợp tác quốc tế

Phát huy truyền thống của những năm tại Hà Bắc, khoa CNTY tiếp tục phát triển và vẫn là khoa dẫn đầu về hợp tác quốc tế ở trường. Sau chương trình hợp tác với Hà Lan (VH12), nhiều chương trình HTQT của khoa vẫn tiếp tục mở rộng. Trong đó phải kể đến là chương trình hợp tác với SAREC (Thụy Điển) từ năm 1990 thông qua GS Lê Viết Ly (lúc đó là Phó viện trưởng viện chăn nuôi quốc gia). Chương trình hợp tác này đã góp phần nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu rất đáng kể cho khoa ta. Trước hết, số cán bộ khoa học đã được đào tạo có bằng tiến sĩ và thạc sĩ là 12 người (từ năm 1992 đến 2007) và hàng chục lượt cán bộ tham gia các khóa ngắn hạn.

Thầy, cô khoa CNTY cũng là người đầu trong việc đề xướng, thành lập và lãnh đạo Trung tâm PTNT, dự án canh tác trên đất dốc, dự án quản lý tài nguyên vùng đối và đầm phá… mà hoạt động của nó cho đến nay vẫn tiếp tục phát triển và mở rộng.

Hàng năm có đến 6-8 đề tài nghiên cứu khoa học của cán bộ được tài trợ bởi SAREC. Một số thiết bị (vi tính, thiết bị thí nghiệm) cũng được dự án tài trợ và nâng cấp. Thông qua chương trình SAREC, khoa CNTY là một trong những đơn vị có hệ thống liên lạc internet đầu tiên ở Huế và trong cả nước (kết nối với trường đại học Oxford, 1992). Với hệ thống liên lạc này, thông tin mới bổ sung cho bài giảng được cập nhật, các mối quan hệ quốc tế ngày được mở rộng.

Từ các hợp tác quốc tế mang tính chất tài trợ (đào tạo, trang thiết bị), đến nay sự hợp tác đó đã vươn lên tầm cao mới – hợp tác song phương như: nghị định thư với Italia, Trung Quốc, các hợp tác với ACIAR (Úc)… Nhiều cán bộ của khoa là chủ trì các dự án hợp tác quốc tế, như dự án hợp tác với IDRC (Canada), Bỉ, Thụy Điển… Hiện nay, khoa đã có quan hệ hợp tác với nhiều trường Đại học và cơ quan quốc tế như trường Đại học Nông nghiệp Wageningen và trường đại học Utretch (Hà Lan), trường Đại học khoa học Nông nghiệp Thụy Điển, trường đại học Melbourne, Queensland (Úc), trường đại học Obihiro, Okayama, Nipon (Nhật Bản), trường đại học Tennessee (Hoa Kỳ).

Khoa đã tổ chức và tham gia nhiều hội thảo quốc tế và nhiều bài báo đã được đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Vì vậy, vai trò và vị thế của khoa ngày càng được khẳng định. Nhiều cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao sự trưởng thành và đóng góp của khoa CNTY trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo.

Công tác tổ chức

Khi trường có quyết định chuyển vào Huế, một bộ phận lớn cán bộ của khoa chuyển nơi công tác (ước tính 65%), đặc biệt là các thầy cô có kinh nghiệm và trưởng các đầu ngành. Điều này đã gây không ít khó khăn ban đầu cho công tác đào tạo của Khoa và Trường tại miền Trung. Tuy nhiên, với sự bổ sung của đội ngũ cán bộ giảng dạy từ trường Cao đẳng Nông Lâm nghiệp Huế, khoa CNTY đã nhanh chóng tập hợp đội ngũ và có số lượng lớn thứ 2 trong trường.

1984-1992: thầy Trần Đình Từ làm Trưởng khoa và Phó trưởng khoa lần lượt là thầy Hồ Quang Sửu – nguyên là Trưởng ban chăn nuôi, trường Cao đẳng Nông Lâm nghiệp Huế (1984-1985), thầy Lê Khắc Huy (1986-1987), thầy Nguyễn Kim Đường (1988-1992).

Trong thời gian gian này, khoa CNTY có 5 bộ môn và 1 trại thực hành thí nghiệm: Bộ môn Di truyền – Giống, Bộ môn Thú y, Bộ môn Sinh hóa – Dinh dưỡng, Bộ môn Chăn nuôi chuyên khoa, Bộ môn Sinh lý – Giải phẫu với khoảng 45 cán bộ công chức, trong đó chỉ có 4 tiến sĩ.

1992-1996: Năm 1992, thầy Trần Đình Từ chuyển vào Công ty thuốc Thú y Trung ương 2 (Tp. Hồ Chí Minh), thầy Nguyễn Kim Đường làm Trưởng khoa và thầy Nguyễn Văn Duệ làm Phó trưởng khoa. Số bộ môn của khoa không thay đổi, số lượng cán bộ khoa khoảng 50, trong đó có bổ sung một tiến sĩ. Năm 1994, do yêu cầu của thực tế sản xuất, khoa mở thêm ngành Nuôi trồng thủy sản. Bộ môn Thủy sản được thành lập từ một số cán bộ của khoa (Nguyễn Kim Đường, Tôn Thất Chất, Lê Văn Phước) và sau đó cán bộ từ sở thủy sản Thừa Thiên Huế và trường Đại học tổng hợp Huế, thầy Nguyễn Kim Đường kiêm trưởng bộ môn. Như đã nói ở trên, khoa ta đổi tên khoa Khoa học Vật nuôi.

1996-2000: Thầy Nguyễn Đức Hưng từ trưởng phòng Giáo vụ và Công tác sinh viên về làm Trưởng khoa và thầy Nguyễn Văn Duệ làm Phó trưởng khoa. Đến tháng 4/1998, do yêu cầu của Đại học Huế, thầy Nguyễn Đức Hưng chuyển công tác (trưởng ban đào tạo, ĐH Huế), thầy Nguyễn Văn Duệ làm trưởng khoa (đến 6/2001) và thầy Trần Sáng Tạo là phó trưởng khoa. Số lượng cán bộ khoa KHVN khoảng 50-53, trong đó có 5 tiến sĩ.

2001-2004: Tháng 6/2001, thầy Lê Đức Ngoan được bầu làm Trưởng khoa, thầy Trần Sáng Tạo và thầy Nguyễn Quang Linh làm Phó trưởng khoa. Số các bộ môn không thay đổi, tuy nhiên thay đổi các trưởng bộ môn. Trại thực hành thí nghiệm (trước đây ở trong khuôn viên trường) chuyển xuống xã Thủy An và đổi thành Trung tâm nghiên cứu vật nuôi Thủy An (thầy Nguyễn Văn Phong phụ trách). Cơ sở được xây dựng khang trang hơn, đủ điều kiện triển khai các nghiên cứu có chất lượng.

2005-2007: Thầy Lê Đức Ngoan làm Trưởng khoa, và thầy Lê Văn Phước và Phùng Thăng Long làm Phó trưởng khoa. Tháng 2/2007, thầy Phùng Thăng Long được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Khoa học – Đối ngoại, thầy Nguyễn Xuân Bả làm Phó trưởng khoa.

Trong thời kỳ này có một số thay đổi về tổ chức. Tháng 1/2005, bộ môn Thú y tách thành 2 bộ môn: Thú y học lâm sàng (thầy Giang Thanh Nhã – Trưởng bộ môn) và Kí sinh – Truyền nhiễm (thầy Phạm Hồng Sơn – Trưởng bộ môn) và Phòng thí nghiệm trung tâm – được đầu tư của bộ Giáo dục và Đào tạo (như đã đề cập ở trên) được thành lập (thầy Hồ Trung Thông làm Trưởng phòng). Tháng 3-2007, do nhu cầu của thực tế về đào tạo tay nghề cho sinh viên, Bệnh xá thú y được thành lập (thầy Lê Hữu Nghị làm tổ trưởng).

Đến thời điểm này, số tổ bộ môn trong khoa là 9 (Bộ môn Di truyền – Giống gia súc, Bộ môn Sinh lý – Giải phẫu gia súc, Bộ môn Sinh hóa – Dinh dưỡng gia súc, Bộ môn Chăn nuôi chuyên khoa, Bộ môn Thú y học lâm sàng, Bộ môn Ký sinh – Truyền nhiễm, Phòng Thí nghiệm trung tâm, Bệnh xá thú y và Trung tâm nghiên cứu vật nuôi Thủy An), số lượng cán bộ làm việc trực tiếp ở khoa 50 và 7 kiêm nhiệm, trong đó có 22 tiến sỹ, chiếm 50% số lượng giáo viên; hơn 80% giáo viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên.

2007-2009: Thầy Lê Đức Ngoan được Nhà trường bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng trường Đại học Nông Lâm Huế nhiệm kỳ 2005-2009, thầy giáo Đàm Văn Tiện được đề cử làm Trưởng khoa, thầy Nguyễn Xuân Bả, Phó trưởng khoa phụ trách hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học và Trại thực hành Thủy An; Thầy Lê Văn Phước là phó trưởng khoa phụ trách đào tạo, nội chính khoa. Các bộ môn và đơn vị trong khoa vẫn giữ nguyên là 9 đơn vị.

2009-2014: Nhiệm kỳ mới của nhà trường, thầy Đàm Văn Tiện được tái bổ nhiệm làm Trưởng khoa và thầy Phạm Hồng Sơn, Phó trưởng khoa phụ trách nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; thầy Hồ Trung Thông, Phó trưởng khoa phụ trách nội chính và đào tạo. Đến tháng 1/2013, thầy Nguyễn Minh Hoàn từ Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo được nhà trưởng bổ nhiệm làm Trưởng khoa thay cho thầy Đàm Văn Tiện. Trong giai đoạn này, nhà trường thành lập Viện Nghiên cứu và Phát triển nên Trại Thủy An được tách ra khỏi Khoa (về quản lý hành chính) và sát nhập với các trại/trung tâm khác trong nhà trường. Do vậy số đơn vị thuộc khoa chỉ có 8 (6 bộ môn và 2 đợn vị trực thuộc là Bệnh xá thú ý và phòng Thí nghiệm trung tâm).

2015-2019: Nhiệm kỳ 2015-2019, thầy Nguyễn Xuân Bả được bổ nhiệm làm Trưởng khoa và 2 Phó trưởng khoa là thầy Nguyễn Hữu Văn, phụ trách hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học; thầy Trần Quang Vui, phụ trách đào tạo đại học và công tác sinh viên. Có 8 đơn vị trực thuộc khoa (6 bộ môn và 1 phòng Thí nghiệm trung tâm và 1 Bệnh xá thú y). Các trưởng bộ môn gồm: thầy Nguyễn Xuân Bả, trưởng bộ môn Chăn nuôi chuyên khoa; thầy Nguyễn Minh Hoàn, trưởng bộ môn Di truyền giống; cô Dư Thanh Hằng, trưởng bộ môn Dinh dưỡng và Hóa sinh động vật; cô Trần Thị Thu Hồng, trưởng bộ môn Sinh lý và Giải phẫu; thầy Nguyễn Xuân Hòa, trưởng bộ môn Ký sinh truyền nhiễm; thầy Phan Vũ Hải, trưởng bộ môn Thú y học lâm sàng; thầy Nguyễn Hữu Văn, trưởng phòng Thí nghiệm trung tâm; thầy Vũ Văn Hải, trưởng Bệnh xá thú y. Đội ngũ cán bộ giảng viên của khoa đến tháng 10/2016 có 41 cán bộ cơ hữu và 6 giảng viên kiêm nhiệm (4 ở trường Đại học Nông Lâm và  2 ở Đại học Huế), trong đó có 1 GS; 15 PGS; 7 TS và 5 NCS. Chi bộ khoa có 20 đảng viên và chi ủy gồm: Đ/C Nguyễn Xuân Bả, Bí thư; Đ/C Nguyễn Hữu Văn, Phó Bí thư; Ủy viên gồm: Đ/C Trần Quang Vui; Đ/c Trần Thị Thu Hồng và Đ/c Hoàng Chung. Chủ tịch Công đoàn là Đ/c Trần Quang Vui; Bí thư Liên chi đoàn là Đ/c Phạm Hoàng Sơn Hưng; Bí thư chi đoàn giáo viên là Đ/c Hoàng Chung.

Trong 50 năm xây dựng và phát triển, tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên của khoa CNTY đã có những đóng góp lớn cho việc đào tạo và nghiên cứu. Với những thành tích đó, Hội đồng chức danh nhà nước đã công nhận cho 1 GS và 21 PGS cho các thầy, cô giáo đã và đang công tác tại khoa CNTY (danh sách ở phần phụ lục). Các thầy giáo Trần Đình Từ, Lê Khắc Huy, Nguyễn Đức Hưng, Nguyễn Văn Duệ, Hoàng Mạnh Quân; Lê Đức Ngoan; Phùng Thăng Long lần lượt được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Khoa CNTY được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động Hạng 3 và đã được nhận nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo và các tỉnh…

Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Trường và Khoa – một trường, một khoa trưởng thành từ những năm khỏi lửa chiến tranh gian khổ, sau ngày thống nhất đất nước, đã di chuyển gần ngàn cây số từ Việt Yên bên bờ các con sông Thương, sông Cầu trữ tình đến cố đô Huế trên bờ Hương Giang thi vị. Chúng ta – thầy và trò khoa CNTY, trường đại học Nông Lâm Huế – nhìn lại chặng đường lịch sử 50 năm và có quyền tự hào vì:

– Sự lớn mạnh không ngừng của hàng lớp sinh viên đã được đào tạo. Họ đã học tập trong gian khổ và phần lớn trong số họ sau khi nước nhà thống nhất lại được công tác tại miền Trung đầy thử thách. Thực tế đã chứng minh họ đã thành đạt, đã đóng góp xứng đáng cho ngành nông nghiệp của nước nhà. Nhiều cựu sinh viên của khoa hiện là trưởng, phó các Chi cục thú y và không ít hiện đang đảm nhận vai trò quản lý ở các Cục, Vụ, Viện. Bên cạnh những cán bộ quản lý ở các cấp tỉnh, huyện của các thế hệ đàn anh đi trước thì không ít lớp sau tiến bộ rất nhanh, có nhiều đóng góp trong sản xuất kinh doanh ở các cơ quan trong nước, liên doanh với nước ngoài…

– Sự lớn mạnh của đội ngũ tham gia giảng dạy và công tác hợp tác quốc tế. Do coi trọng việc đào tạo nguồn nhân lực thông qua hợp tác quốc tế từ rất sớm mà khoa CNTY đã phát triển nhanh chóng và vững chắc. Tiếp theo dự án VH12 là các dự án lớn SIDA/SAREC, ACIAR và nhiều dự án khác đã và đang triển khai. Hàng loạt dự án ở miền Trung, bên cạnh các chuyên gia nước ngoài, người ta dễ tìm thấy những cán bộ của khoa CNTY, vững vàng cộng tác với họ. Khoa ta lại một lần nữa thể hiện được thế mạnh trong các chương trình xoá đói giảm nghèo và các chương trình nghiên cứu của các tỉnh miền Trung và cả nước.

– Là một tập thể luôn sôi động, đoàn kết và trí tuệ. Có những thời khắc khó khăn nhất trong lịch sử 50 năm của khoa nhưng chúng ta vẫn đảm bảo chất lượng giảng dạy và độ tin cậy của nghiên cứu khoa học. Gia đình khoa CNTY vẫn sống trong tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Bên cạnh công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, nhắc đến khoa CNTY, người ta thường nhắc nhiều đến công tác văn nghệ, một hoạt động không bao giờ thiếu đã có tác dụng lớn góp phần giáo dục các thế hệ trẻ.

Hy vọng rằng các thế hệ tiếp nối các thế hệ trước, giờ đây sẽ làm rạng rỡ hơn truyền thống hào hùng của khoa CNTY của chúng ta.

 

 

 

DANH HIỆU THI ĐUA, KHEN THƯỞNG TẬP THỂ KHOA CNTY

 

STT Đơn vị Năm Hình thức khen thưởng Số, ngày, tháng, năm của quyết định công nhận danh hiệu thi đua, cơ quan ban hành quyết định
1 Bộ môn Chăn nuôi Chuyên khoa 1982 Bằng khen của Bộ trưởng bộ GDĐT  
1 Bộ môn Sinh lý giải phẫu 2005 Bằng khen của Bộ trưởng bộ GDĐT Số 2632/QĐ/BGDĐT ngày 18/05/2005
2 Bộ môn Dinh dưỡng và hóa sinh động vật 2011 Bằng khen của Bộ trưởng bộ GDĐT QĐ số 1422/QĐ – BGDĐT ngày 13/04/2011
4 Bộ môn Dinh dưỡng và hóa sinh động vật 2007 Bằng khen của thủ tướng chính phủ QĐ số 803 QĐ/TTg ngày 26/06/2007
5 Khoa Chăn nuôi Thú y 2007 Huân chương lao động hạng 3 Số 928/2007 QĐ – CTN, ngày 16/08/2007

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Một số hình ảnh khoa CNTY trước khi vào cố đô Huế

Toàn thể khoa Chăn nuôi Thú y (1983)
Ban chủ nhiệm khoa (1983) Bộ môn thú y cơ bản (1983)

 

 

 

 

 

 

Bộ môn chăn nuôi chuyên khoa (1983) Bộ môn Dinh dưỡng thức ăn (1983)
  Các thế hệ cán bộ giáo viên trong dịp Kỷ niệm 25 năm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

KHOA CHĂN NUÔI THÚ Y: 50 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN – HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO

 PGS.TS. Nguyễn Đức Hưng

 

Khoa Chăn nuôi thú y là một trong hai khoa đầu tiên ra đời cùng với sự ra đời của Trường Đại học Nông Nghiệp 2 Hà Bắc (nay là Trường ĐHNL, Đại học Huế). Hoạt động đào tạo của khoa luôn gắn với tiến trình phát triển, đổi mới của đất nước và sự phát triển của nhà trường. Nhìn lại chặng đường 50 năm trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của khoa để khẳng định, để tự hào và cũng để hoàn thiện mình trước yêu cầu mới của hội nhập và phát triển.

  1. Giai đoạn 1967-1984 (Trường đóng tại Hà Bắc)

Đây được xem là chặng đường đầu trong sự phát triển của một nhà trường, mọi hoạt động gắn với định hướng lâu dài và sự phát triển cho tương lai. Hoạt động đào tạo thể hiện rõ nét qua các ý tưởng và hành động cụ thể là:

+ Nguyên lý đào tạo (triết lý giáo dục): Ngay từ khi thành lập nhà trường đã xác định nguyên lý đào tạo là “học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn, nhà trường gắn liền với xã hội”. Triết lý giáo dục này gắn với nhiều thế hệ giáo viên, cán bộ viên chức và sinh viên của trường và được thể hiện trong mọi hoạt động của nhà trường. Từ triết lý này, trường đã xây dựng 4 địa bàn đào tạo đó là Địa bàn 1: giảng đường; Địa bàn 2: phòng thí nghiệm; Địa bàn 3: trại trường; Địa bàn 4: các nông trường, trạm trại. Việc xây dựng các chương trình đào tạo cho ngành Chăn nuôi thú y, Thú y của Khoa, tổ chức quá trình đào tạo, kiểm tra đánh giá luôn xuất phát từ triết lý giáo dục và gắn với triết lý giáo dục này.

+ Chương trình đào tạo: Từ khi thành lập (khóa học 1967-1968) Khoa Chăn nuôi thú ý có hai chương trình đào tạo là Chăn nuôi và Thú y. Sau khóa tuyển sinh 1969, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn nguồn nhân lực khi đó Khoa đã chuyển và chỉ còn lại một chương trình đào tạo với kiến thức chung cho ngành là Chăn nuôi thú y. Trong chương trình đào tạo có khối kiến thức cơ bản (trong hai kỳ đầu), khối kiến thức cơ sở (2 kỳ tiếp theo) và khối kiến thức chuyên ngành (4 kỳ cuối khóa). Các môn học trong chương trình có thời gian thực hành, thực tập không ít hơn 30% so với thời lượng của môn học được thiết kế.

+ Tuyển sinh đầu vào và quy mô đào tạo: Khi thành lập việc tuyển sinh đầu vào thực hiện theo nguyên tắc xét tuyển chung toàn quốc. Ba khóa 1, 2, 3 mỗi khóa có 1 lớp Chăn nuôi và 1 lớp Thú y, tổng số gần 200 sinh viên. Khóa 1, 2 được xét tuyển từ Trường Đại học Nông nghiệp 1 (Hà Nội) chuyển về cho Trường Đại học Nông nghiệp 2 tổ chức đào tạo. Khóa 3 ngoài nguồn tuyển chung, còn có một số lượng không nhỏ sinh viên được Thanh Hóa gửi đào tạo cho địa phương. Từ khóa 4 việc tuyển sinh được thực hiện qua kỳ thi tuyển sinh đại học chung toàn quốc. Do sự thay đổi này nên khóa 4 toàn khoa chỉ có 1 lớp Chăn nuôi thú y với hơn 50 sinh viên nhập học. Những năm 1971-1973, một lực lượng sinh viên các trường đại học được động viên nhập ngũ, phục vụ chiến trường miền Nam, vì vậy khóa 4 khi thi tốt nghiệp chỉ có 42 người. Từ khóa 5 trở đi quy mô tuyển sinh tương đối ổn định 2 lớp trong mỗi khóa với hơn 100 sinh viên. Riêng khóa 6 và khóa 7 có thêm mỗi khóa 1 lớp chuyển từ Hòa Bình về Khoa tổ chức đào tạo tiếp từ năm thứ 2 cho đến khi tốt nghiệp. Nhìn chung mỗi khóa đào tạo không quá 2 lớp với hơn 100 sinh viên/ khóa học.

+ Tổ chức đào tạo, kiểm tra, đánh giá: Quá trình quản lý và tổ chức đào tạo theo niên chế. Mỗi năm học có 2 kỳ và mỗi khóa học đào tạo 4,5  năm với ngành Chăn nuôi và Chăn nuôi- thú y, 5 năm với ngành Thú y. Mỗi học kỳ tổ chức một kỳ thi kết thúc học kỳ (mùa thi) với hình thức thi vấn đáp ở tất cả các môn học. Vào học kỳ cuối sinh viên đi thực tập tốt nghiệp, thời gian 5,5 – 6 tháng. Mỗi sinh viên phải hoàn thành một Khóa luận tốt nghiệp với hai nội dung Phục vụ sản xuất và Nghiên cứu khoa học. Sau khi thực tập tốt nghiệp về sinh viên chuẩn bị Khóa luận tốt nghiệp và thi tay nghề công nhân nông nghiệp bậc 3 trước khi vào kỳ thi tốt nghiệp cuối khóa với 3 môn thi bắt buộc là Triết học Mác Lê nin, Môn cơ sở (Sinh lý động vật) và bảo vệ khóa luận tốt nghiệp. Sinh viên chưa đạt tay nghề bậc 3 sẽ phải thi lại và chỉ được công nhận và cấp bằng tốt nghiệp khi đã có chứng nhận tay nghề.

Xuất phát từ nguyên lý đào tạo đã nói trên nên việc tổ chức đào tạo luôn gắn với rèn luyện tay nghề. Tổ chức đào tạo trên bốn địa bàn. Địa bàn 1: Giảng đường với kế hoạch học theo môn học, học đến đâu thực hành môn học đến đó tại địa bàn 2 (Phòng thí nghiệm). Từ học kỳ 3 trở đi ngoài học lý thuyết, thực hành tại phòng thí nghiệm, mỗi lớp sinh viên còn được thực hành nghề nghiệp trên địa bàn 3 theo mức độ tăng dần về chuyên môn, nghề nghiệp dưới dạng các “Công trình sản xuất tổng hợp”. Học kỳ 3 với công trình “Cây thức ăn gia súc” mỗi lớp được giao thực hiện một công trình  cây thức ăn dưới nước (bèo hoa dâu, cây rau muống, rau lấp) hoặc cây thức ăn trên cạn (cây cải dầu, cây ngô dày, cây cỏ Stylo…). Năm thứ 3 với công trình “Chăn nuôi lợn thịt” mỗi lớp nuôi 100 con lợn lai F1 nuôi thịt từ sau cai sữa đến xuất bán thịt. Năm thứ 4 với công trình “Ấp trứng và nuôi gà con” mỗi lớp tổ chức ấp trứng gà, gà con nở ra nuôi đến 8 tuần tuổi. Trong suốt thời gian từ năm thứ 2 trở đi gắn với các công trình sản xuất tổng hợp là quá trình rèn tay nghề. Từ làm đất, gieo hạt, chăm sóc thu hoạch cây thức ăn; nhận biết các giống vật nuôi, nuôi dưỡng lợn, gà, bò sữa theo quy trình; thao tác thú y cơ bản: thiến hoạn, phát hiện bệnh, pha chế thuốc, dùng vắc xin, chữa bệnh, huấn luyện đực giống, lấy tinh, pha chế bảo quản và dẫn tinh cho lợn, bò, vắt sữa bò, sơ chế sữa… Đồng thời với các hoạt động đào tạo trên giảng đường, phòng thí nghiệm, sinh viên còn được gắn với thực tiễn sản xuất. Ở học kỳ 4 mỗi khóa có đợt thực tế (Đông Xuân) tại các cơ sở sản xuất: trạm, trại, nông hộ với công tác tiêm phòng cho gia súc, chăm sóc, chống rét cho trâu bò, trồng cây thức ăn, thụ tinh nhân tạo… phục vụ cho các đề tài, các chương trình nghiên cứu của khoa như chương trình Lợn lai, Trâu lai… Tiếp đó, năm thứ 4 có đợt thực tập giáo trình, sinh viên dưới sự hướng dẫn của giáo viên đi về các trại chăn nuôi tập thể, nông trường quốc doanh gắn với các hoạt động chuyên môn như nuôi dưỡng chăm sóc đàn lợn, gà, bò sữa: nuôi dưỡng chăm sóc bê nghé, bò sữa, vắt sữa, đỡ đẻ, phòng bệnh, chữa bệnh, khảo sát điều tra, xây dựng quy hoạch chăn nuôi: xác định quy mô, cơ cấu đàn, quy hoạch chuồng trại, cây thức ăn… tại cơ sở. Đánh giá kết quả thông qua Bài tập lớn hoặc đề án.

Công tác đào tạo nói trên cho thấy khi xác định được triết lý giáo dục đúng, nhà trường đã tập trung xây dựng các địa bàn đào tạo, thiết kế các chương trình đào tạo, tổ chức và quản lý các hoạt động đào tạo và có phương pháp kiểm tra đánh giá nghiêm túc, công bằng, minh bạch để sinh viên tích lũy dần các kiến thức, kỹ năng, năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn nghề nghiệp… Sinh viên tốt nghiệp có kiến thức về lý luận, tự tin, có hiểu biết thực tiễn và tay nghề tốt, sát thực tiễn nên được xã hội thừa nhận. Chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, kỹ sư ra trường có tư cách đạo đức tốt, có ý chí học hỏi vươn lên, kiến thức và tay nghề đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đặc biệt có nhận thức đúng về nghề nghiệp, có thái độ, hành vi đúng mực: yêu nghề, cần cù chịu khó, miệng nói tay làm là điểm nối bật được xã hội đánh giá cao.

Trong giai đoạn này, việc sinh viên ở nội trú, tập trung tại trường (ngay cả trong thời gian sơ tán về các thôn, xã) đã góp phần tổ chức đào tạo và quản lý sinh viên tốt hơn. Các hoạt động chuyên môn ngoại khóa, thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ tập thể đã nâng cao được chất lượng đào tạo toàn diện của Khoa nói riêng và nhà trường nói chung.

  1. Giai đoạn 1985 đến 1994

Đây là giai đoạn chuyển trường từ Hà Bắc vào Huế và tổ chức đào tạo tại miền Trung. Sau khi khóa 14 hoàn thành chương trình đào tạo tại trường, nhà trường đã bố trí thực tập tốt nghiệp cho sinh viên gắn với địa bàn mới là các tỉnh miền Trung. Do chuyển trường nên khóa 15 đang đào tạo được trường gửi tiếp tục hoàn thiện khóa học tại một số trường nông nghiệp khác. Khóa 18 tạm ngừng tuyển sinh tại Thừa Thiên Huế để tập trung đào tạo các khóa Cao đẳng còn lại của Trường Cao đẳng Nông Lâm nghiệp Huế. Nguyên lý đào tạo của trường tiếp tục được khẳng định, nhưng địa bàn 4 được chuyển vào các tỉnh miền Trung (Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị). Các cơ sở thực hành, thực tập của Trường Cao đẳng được tiếp tục củng cố và sử dụng cho đào tạo đại học như Trại Chăn nuôi tại Trường, các sở thực hành Tứ Hạ, Hương Bằng. Khoa Chăn nuôi thú y với đội ngũ cán bộ, giáo viên từ Hà Bắc theo trường vào Huế cùng với đội ngũ giáo viên của khoa Chăn nuôi thuộc Trường Cao đẳng Nông Lâm nghiệp Huế đã tiếp nối truyền thống của khoa, khắc phục khó khăn duy trì và ổn định đào tạo. Chương trình đào tạo, công tác quản lý đào tạo được thay đổi, cập nhật và bổ sung cho phù hợp với giai đoạn mới. Thời gian này sinh viên số ít ở nội trú, số đông ở ngoại trú nên các hoạt động hỗ trợ đào tạo cũng ít đi, ý thức tập thể của sinh viên cũng có phần thua kém giai đoạn trước. Tuy có nhiều khó khăn khi chuyển trường nhưng các hoạt động đào tạo được duy trì tốt.

+ Chương trình đào tạo: Ngoài những khóa Cao đẳng tiếp tục đào tạo, Khoa chuyển dịch qua tập trung đào tạo bậc đại học với một ngành Chăn nuôi thú y. Công tác tuyển sinh qua kỳ thi tuyển do Trường tự tổ chức (ra đề, tổ chức kỳ thi, chấm thi, xét trúng tuyển, báo gọi nhập học) theo kế hoạch chung của Bộ Giáo dục và đào tạo. Tổ chức đào tạo vẫn duy trì trên 4 địa bàn, tuy nhiên các hoạt động ngoài trường ngày càng khó khăn và hoạt động trên địa bàn 3 và 4 thu hẹp hơn giai đoạn trước.

  1. Giai đoạn 1994 đến nay (2017)

Năm 1994 với Nghị định 30 CP của Chính phủ, Đại học Huế được hình thành trên cơ sở các trường Đại học tại thành phố Huế. Trường Đại học Nông Lâm Huế trở thành trường thành viên trực thuộc Đại học Huế. Khoa Chăn nuôi thú y tiếp tục phát huy truyền thống của một khoa mạnh của trường. Ngoài chương trình đào tạo Chăn nuôi thú y, năm 1994 mở thêm ngành đào tạo thú y. Cũng năm 1994 mở ngành đào tạo Nuôi trồng thủy sản và tách thành lập Khoa Thủy sản vào năm 2005. Năm 1994 mở chương trình đào tạo Cao học Chăn nuôi. Năm 1998 mở chuyên ngành đào tạo Tiến sỹ Chăn nuôi động vật nông nghiệp. Năm 2002 mở ngành đào tạo Thạc sỹ thú y. Năm 2016 hoàn thiện thủ tục mở ngành đào tạo Tiến sỹ thú y. Như vậy tại thời điểm hiện nay Khoa đang quản lý, tổ chức đào tạo cả 3 bậc học là Cao đẳng, Đại học và Sau đại học (Thạc sỹ, Tiến sỹ) ở hai ngành đào tạo Chăn nuôi và Thú y.

+ Chương trình đào tạo: Năm 1994, chương trình đào tạo được biên soạn lại phù hợp với đào tạo hai giai đoạn. Khối kiến thức đại cương do trường Đại học đại cương (thuộc Đại học Huế đảm nhận) sau 3 học kỳ sinh viên dự kỳ thi chuyển giai đoạn vào các ngành tương ứng của Trường Đại học Nông Lâm (bắt đầu từ khóa 25 của Trường). Tại trường Đại học Nông Lâm, sinh viên được đào tạo kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành. Do tính chất quản lý theo hai giai đoạn nên sự kết dính giữa kiến thức đại cương và chuyên ngành trở nên lỏng lẻo hơn trước. Đặc biệt việc đào tạo trên 4 địa bàn và nguyên lý giáo dục đã có thay đổi. Người học có nhiều sự lựa chọn hơn, nhưng định hướng nghề nghiệp muộn hơn, sự gắn kết và hiểu về nghề của sinh viên ít hơn. Từ năm học 2003 chuyển phương thức quản lý đào tạo từ “niên chế” sang “tín chỉ”, chương trình đào tạo được biên soạn lại, khối kiến thức đại cương được tổ chức đào tạo tại trường ngay từ khi mới vào trường và tiếp nối đến khi sinh viên tốt nghiệp. Chương trình đào tạo được cập nhật gần thực tiễn chăn nuôi công nghiệp, quy mô lớn, tập trung và có sự tham gia ý kiến của cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp. Từ năm học 2016-2017, được sự phối hợp, hỗ trợ của công ty GreenFeed, ngoài các chương trình đào tạo truyền thống, Khoa đã xây dựng hai “chương trình đào tạo chất lượng cao” nhằm đáp ứng nhu cầu chăn nuôi công nghiệp, đáp ứng hội nhập và phát triển. Dự kiến tuyển sinh 50 sinh viên cho mỗi ngành.

+ Tuyển sinh đầu vào và quy mô đào tạo: Công tác tuyển sinh đầu vào được tập trung do Hội đồng tuyển sinh Đại học Huế đảm nhận trên cơ sở kỳ thi “ba chung” của cả nước (chung đợt thi, chung đề thi và sử dụng chung kết quả thi). Ngành Chăn nuôi thú y, mỗi khóa tuyển sinh 1 lớp cho ngành Chăn nuôi và 1 lớp cho ngành Thú y, số lượng  đầu vào 100 – 250 sinh viên đại học; 10 – 20 học viên cao học và 2-4 nghiên cứu sinh. Những năm gần đây (2014-2016) số sinh viên đại học tăng lên nhiều (400- 500 sinh viên/ khóa). Mỗi khóa có 1-2 lớp Chăn nuôi và 2-4 lớp Thú y, 1-2 lớp Cao đẳng Chăn nuôi. Ngoài ra các hệ đào tạo không chính quy như vừa làm vừa học mỗi năm 2-4 lớp và có xu hướng giảm dần, Đào tạo liên thông Cao đẳng lên đại học ngành Chăn nuôi được duy trì, nhưng số lượng sinh viên mỗi năm không nhiều. Các lớp đào tạo chất lượng cao dự kiến tuyển từ sinh viên khóa 49 và 50, mỗi khóa 50 sinh viên/ngành. Hoạt động đào tạo có sự phối hợp và đóng góp kinh phí của công ty.

+ Tổ chức quản lý đào tạo: Sự chuyển dịch công tác quản lý đào tạo từ “niên chế” chuyển qua “niên chế kết hợp với học phần” và qua “tín chỉ”, sinh viên chủ động hơn trong lựa chọn quá trình học theo kế hoạch cá nhân. Sinh viên học liên thông (cao đẳng- đại học) cũng được mở ra. Quản lý đào tạo theo học chế “tín chỉ” đã tạo được sự chủ động cho sinh viên, nhưng việc bố trí kế hoạch, quản lý sinh viên của Khoa gặp không ít khó khăn. Sự gắn bó thầy trò trong quá trình đào tạo ít hơn trước, thực hành, thực tập khó khăn hơn. Đặc biệt các cơ sở thực hành thực tập eo hẹp, trong khi quy mô sinh viên tăng lên là những trở ngại lớn cho việc nâng cao chất lượng đào tạo. Triết lý giáo dục như trước đây đã không được thể hiện rõ trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động đào tạo.

+ Kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo: Với sự thay đổi chương trình, nội dung và công tác quản lý đào tạo nên phương thức thi, kiểm tra đánh giá kết quả cũng có nhiều thay đổi. Nếu trước đây hình thức thi vấn đáp là phổ biến và áp dụng cho tất cả các môn học, kỳ thi tốt nghiệp xem như “cái chốt” của một khóa học, thì giai đoạn này hình thức thi đa dạng hơn bao gồm: tự luận, trắc nghiệm và vấn đáp. Kết quả học tập của sinh viên là kết quả của điểm chuyên cần, điểm kiếm tra thường xuyên và điểm thi kết thúc học phần. Học phần thực tập tốt nghiệp được đánh giá bằng “Báo cáo tốt nghiệp”, “ Khóa luận tốt nghiệp” hoặc “Thực tập tốt nghiệp kèm theo học các học phần bổ sung để tốt nghiệp”. Nhìn vào mục tiêu đặt ra của công tác kiểm tra đánh giá nhằm khách quan, đánh giá cả quá trình, chính xác kiến thức và trình độ của người học, nhưng vì nhiều lý do: sinh viên đông, tổ chức thi, giám sát quá trình thi chưa tốt, đề thi trắc nghiệm biên soạn chưa đúng chuẩn mực, tiêu cực trong thi… nên có lúc, có nơi kết quả của người học chưa phản ánh đúng với năng lực như mong đợi. Gần đây khoa đã quyết định quay trở lại hình thức thi vấn đấp để đánh giá kết quả kết thúc các học phần của người học nhằm phản ánh chính xác hơn.

Có thể nói rằng giai đoạn 1994-2016 là một giai đoạn có nhiều thay đổi, nhiều chuyển dịch trong giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Từ việc thành lập Trường Đại học đại cương ở các Đại học vùng, Đại học quốc gia, đào tạo hai giai đoạn sau đó chuyển trở lại phương thức cũ. Từ chỗ tổ chức đào tạo theo niên chế (phương thức truyền thống) qua đào tạo theo tín chỉ. Sự chuẩn bị chưa thật chu đáo, nhận thức của số không nhỏ cán bộ quản lý, cán bộ giảng dạy về các thay đổi này chưa thật đúng, đặc biệt nhận thức và thay đổi suy nghĩ, phương pháp học tập trong số đông sinh viên chưa kịp với yêu cầu mới đã gây nên nhiều trở ngại trong quản lý, tổ chức đào tạo, kiểm tra đánh giá. Đặc biệt triết lý giáo dục (nguyên lý giáo dục) trước đây đã khó có điều kiện để duy trì, trong khi triết lý giáo dục mới lại chưa định hình rõ ràng đã tạo nên nhiều lúng túng, bị động trong hoạt động đào tạo của Khoa. Chất lượng đào tạo trong giai đoạn này còn nhiều tranh cãi và có sự “phân hóa” trong sinh viên sau tốt nghiệp.

Trước yêu cầu của tình hình mới, hai năm lại đây quy mô đào tạo tăng lên (400-500 SV/khóa học), cơ sở vật chất tăng không đáng kể, đặc biệt địa bàn thực hành, thực tập ngày càng khó khăn, Khoa đã có nhiều thay đổi, chuyển hoạt động đào tạo gắn với cơ sở sản xuất, đặc biệt chuyển dịch đào tạo gắn với sản xuất chăn nuôi công nghiệp, chăn nuôi hàng hóa, tập trung, quy mô lớn. Thay đổi thời gian các đợt đi ngoài trường cho phù hợp với sản xuất mùa vụ và thực tiễn các công ty, các trang trại lớn. Việc kiểm tra đánh giá kết quả các đợt tiếp cận nghề, thao tác nghề, thực tế nghề được điều chỉnh cho hiệu quả hơn. Mở thêm các chương trình đào tạo chất lượng cao, đào tạo theo nhu cầu xã hội và doanh nghiệp. Các bậc đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ được rà soát lại chương trình, quản lý tổ chức đào tạo, công tác kiểm tra đánh giá hướng tới chất lượng tốt hơn.

Nhìn lại chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển Khoa Chăn nuôi thú y, hoạt động đào tạo luôn là hoạt động trọng tâm của khoa. Đến nay khoa đã có đủ các bậc đào tạo: sau đại học (tiến sỹ, thạc sỹ), đại học, cao đẳng; các loại hình đào tạo: chính quy, vừa làm vừa học, liên thông cao đẳng lên đại học; các ngành đào tạo: Chăn nuôi, Chăn nuôi – Thú y, Thú y. Các chương trình đào tạo được thay đổi, cập nhật theo từng giai đoạn. Tổ chức đào tạo được ngày càng mềm dẻo, linh hoạt đáp ứng yêu cầu người học và nhu cầu nguồn lao động chất lượng cao. Kinh nghiệm thành công và chưa thành công trong công tác đào tạo nửa thế kỷ qua là tiền đề để Khoa Chăn nuôi thú y vững bước trên chặng đường mới.

 

KHOA CHĂN NUÔI – THÚ Y: 50 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

HỢP TÁC QUỐC TẾ – KHỞI NGUỒN CỦA SỰ THÀNH CÔNG

  1. TS Lê Đức Ngoan – nguyên Trưởng khoa

PGS.TS Nguyễn Xuân Bả – Trưởng khoa

Nhận thức rõ tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong sự phát triển của một khoa chuyên môn, ngay từ những ngày đầu, Ban chủ nhiệm khoa – phần lớn là các thầy giáo được đào tạo ở nước ngoài – đã tập trung xây dựng các hợp tác với nhiều nước trên thế giới. Sau gần 50 năm, khoa Chăn nuôi – Thú ý đã có trên 10 chương trình, dự án hợp tác với hơn 30 trường Đại học và Tổ chức quốc tế trên toàn thế giới. Nhờ đó, năng lực con người và cơ sở vật chất của khoa đã được cải thiện đắng kể; Đặc biệt, vị thế của khoa và nhiều cá nhân trên trường quốc tế đã được biết đến. Những điểm nhấn quan trọng của các hợp tác sẽ được đề cập đến các phần viết sau đây:

Hợp tác với Hà Lan – khởi đầu của các hợp tác quốc tế

Sau chiến tranh, nước ta bị Mỹ cấm vận, vì vậy, hợp tác quốc tế với các nước tư bản là vô cùng khó khăn. Theo ông Lê Thạc Cán[1] (nguyên vụ trưởng Khoa học của Bộ Giáo dục và Đào tạo nghề), việc chuẩn bị cho hợp tác khoa học với các nước ở châu Âu đã được chuẩn bị từ 1973 – khi hiệp định Paris đã được ký kết. Trong thời gian này, Bộ GD&ĐT nghề Việt Nam đã cử nhiều đoàn làm việc với nhiều nước ở châu Âu, trong đó có Hà Lan. May mắn, Hà Lan là nước thuộc thế giới thứ 3 không bị ảnh hưởng cấm vận của Mỹ. Bộ Ngoại giao và Bộ Hợp tác phát triển của Hà Lan đã đến Việt Nam ngay từ lúc đất nước vừa thống nhất – 1970’.

Hợp tác về đào tạo trong lĩnh vực Nông nghiệp là sự ưu tiên của Hà Lan. Trường Đại học Nông nghiệp 2 Hà Bắc bị ảnh hưởng nhiều của chiến tranh là nơi được chọn lựa để hợp tác. Tại thời điểm đó, ngoại ngữ – tiếng Anh – là trở ngại lớn cho việc xây dựng các chương trình hợp tác. Thầy Lê Viết Ly, GS.TS – nhận học vị TS ở Bulgari năm 1974 – là người rất thông thạo tiếng Trung và tiếng Anh đã được Nhà trường cử sang làm việc và đã mở đầu cho một sự hợp tác lâu dài và hiệu quả với trường Đại học Nông nghiệp Wegeningen, Hà Lan (WAU). Phía Hà Lan cũng đã cử nhiều cán bộ sang thăm và làm việc với Trường tại thời điểm đó và sau này (TS. Peter de Goeje, TS Monsma, GS.TS. H. Bakker, GS TS. M. Vertegen, GS. TS. Van Bruckham, GS.TS. Maniche…).

Năm 1976, viện trợ đầu tiên đã đến với Khoa, đó là máy móc, dụng cụ, trang thiết bị cho phòng phân tích sữa – thuộc Bộ môn Chăn nuôi chuyên khoa – khá hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, sinh viên của trường bạn cũng gửi tặng các bạn trẻ của trường Đại học Nông nghiệp 2 Hà Bắc một bộ nhạc cụ hiện đại, bao gồm trống, kèn và các loại đàn. Bộ nhạc cụ này đã được sử dụng cho các lần hội diễn văn nghệ của trường, và tiếng đàn và giọng hát của các thầy cô giáo đã nhiều lần được phát trên sóng đài tiếng nói Việt Nam trong chương trình “Khắp nơi ca hát”.

Tiếp tục với các hoạt động khởi động, chương trình hợp tác khoa học Việt Nam – Hà Lan (gọi tắt VH) đã được hình thành với sự tài trợ của khối các trường Đại học Hà Lan (NUFFIC) từ năm 1979. Chương trình VH bao gồm nhiều dự án khác nhau, trong đó có dự án VH12 – nâng cao năng lực đào tạo cho khoa CNTY, trường Đại học Nông nghiệp 2 Hà Bắc. Chủ nhiệm dự án phía Việt Nam là thầy Lê Viết Ly, phía Hà Lan là TS G. Montsma – bộ môn Chăn nuôi gia súc nhiệt đới, trường WAU. Năm 1984, sau khi trường chuyển về Huế, thầy Trần Đình Từ và thầy Nguyễn Kim Đường tiếp tục làm chủ nhiệm dự án cho tới năm 1987.

Những thành quả to lớn mang lại từ VH12 bao gồm: (i) Trang thiết bị cho 7 phòng thí nghiệm: Phân tích thức ăn; Thú y cơ bản; Chăn nuôi chuyên khoa; Di truyền – Giống… đủ để phục vụ nghiên cứu và giảng dạy kéo dài từ 1980-1989; (ii) Đào tạo nguồn nhân lực – đội ngũ thầy giáo và cán bộ – đủ mạnh để tiếp cận với khoa học kỹ thuật tiên tiến từ nước ngoài; và (iii) Cung cấp tài liệu khoa học cho thư viện gồm rất nhiều sách và tạp chí cũng như phương tiện giảng dạy (máy chiếu overhead, máy chiếu slide..). Nhiều cán bộ của Trường đã được nâng cao về chuyên môn, kỷ năng phòng thí nghiệm, trở thành nòng cốt của các bộ môn, như các thầy giáo Lê Viết Ly, Trần Đình Từ, Đặng Vũ Bình, Nguyễn Văn Bảo, Vũ Bình Minh, Nguyễn Văn Thuận, Đặng Tất Nhiễm, Đỗ Trọng Dư, Hoàng Thạch, Hoàng Nghĩa Duyệt, Nguyễn Văn Duệ, Lê Đức Ngoan, Nguyễn Tiến Vởn, Đàm Văn Tiện, Phạm Khánh Từ, Trần Sáng Tạo, Trương Thanh Cảnh,.. và 2 cán bộ phòng thí nghiệm: Nguyễn Kim Xin, Anh Hoè. Tác động gián tiếp của dự án VH12 là khởi đầu cho việc học tiếng Anh của giáo viên và sinh viên trong toàn Khoa và Trường nhờ luôn có chuyên gia Hà Lan đến làm việc và tổ chức nhiều lớp học.

Trên tất cả, dự án VH12 đã làm nền tảng cho các hợp tác sau này với các trường Đại học ở Hà Lan nói chung và trường Đại học Wageningen nói riêng. Nhiều thầy cô giáo của Khoa và Trường tiếp tục được đào tạo để nhận học vị tiến sĩ sau VH12 tại Đại học Utretch: thầy Nguyễn Quang Linh (2004), thầy Đàm Văn Tiện (2005) và cô Dư Thanh Hằng (2007); tại WURs: thầy Lê Đình Phùng (2006), thầy Phạm Khánh Từ (2010) và cô Nguyễn Thị Hoa Lý (2012), và cô Nguyễn Thị Hồng Phương (khoa KNPTNT), cô Nguyễn Thị Hương Giang (khoa Thuỷ sản) và cô Thân Thị Thanh Trà (khoa CNTY) đang theo học tiến sĩ và thạc sĩ tại WUR.

Chương trình hợp tác về nâng cao năng lực đào tạo về Biến đổi khí hậu (ACCCU) do Hà Lan tại trợ 2013-2016 cũng do trường Đại học Wageningen điều phối.

Tóm lại, dự án hợp tác quốc tế VH12 là bước đột phá và khởi đầu của các chương trình và dự án hợp tác quốc tế sau này của khoa ta và của nhà trường. Vị thế của trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế và khoa Chăn nuôi – Thú y đã được biết đến trên trường quốc tế. Nhiều cán bộ của khoa và nhà trường đã được đào tạo từ dự án VH12 đã trở thành chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam và chuyên gia quốc tế.

Hợp tác với Thuỵ Điển – Cơ hội vàng cho nguồn nhân lực chất lượng cao

Sự bắt đầu hợp tác với Thuỵ Điển từ năm 1990 cũng từ GS. TS Lê Viết Ly (nguyên là Phó viện trưởng Viện chăn nuôi quốc gia) – đồng điều phối viên Chương trình Phát triển chăn nuôi bền vững ở các nước nhiệt đới (gọi tắt chương trình SAREC – Cơ quan hợp tác nghiên cứu Nông nghiệp Thuỵ Điển). Khởi đầu của sự hợp tác là sự tham gia của khoa ta vào chương trình SAREC. Thầy Nguyễn Kim Đường, PGS.TS (nguyên Trưởng khoa CNTY) làm điều phối viên từ 1990-2000. Tiếp nối chương trình SAREC là chương trình: Phát triển chăn nuôi vùng hạ lưu sông Mekong (gọi tắt MEKARN) do SAREC/Sida (Thuỵ Điển) tài trợ. Thầy Lê Đức Ngoan làm điều phối viên từ 2001-2007.

Chương trình SAREC và MEKARN bắt đầu từ việc thực hiện những nghiên cứu nhỏ về việc sử dụng nguồn thức ăn tại chỗ để phát triển chăn nuôi với sự hợp tác của các chuyên gia đến từ trường Đại học khoa học Nông nghiệp Thuỵ Điển (SLU). Trong giai đoạn 1990 – 2010, hàng chục đề tài nghiên cứu đã được triển khai tại trường Đại học Nông Lâm Huế (khoảng 6-8 đề tài/năm) hỗ trợ cho các đề tài luận văn cao học và luận án tiến sĩ của hàng chục thầy cô giáo của khoa ta.

Bên cạnh hoạt động nghiên cứu, đào tạo thạc sĩ (1992) và tiến sĩ (1997) cũng đã được triển khai tại SLU. Từ 1992-2010, gần 100 cán bộ trong cả nước đã được nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ từ hợp tác với SLU, trong đó  có nhiều thầy cô giáo từ khoa CNTY: TS. Lê Đức Ngoan (2000), TS. Lê Văn An (2004), TS. Trần Thị Thu Hồng (2007), TS. Nguyễn Duy Quỳnh Trâm (2010), Ths. Nguyễn Thị Lộc (1996), Ths. Võ Thị Kim Thanh (1998). Ngoài đào tạo có bằng cấp, hàng chục khóa ngắn hạn đã được mở như khoá học về các phương pháp nghiên cứu, phương pháp xử lý số liệu, phương pháp viết bài báo khoa học… góp phần nâng cao năng lực cho cán bộ nghiên cứu. Tự hào để khẳng định rằng, đến nay, số lượng cán bộ được đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ từ hợp tác với Thuỵ Điển nhiều hơn các chương trình hợp tác mà khoa ta chủ trì.

Điều đặc biệt của chương trình hợp tác với Thuỵ Điển là góp phần xây dựng hệ thống liên lạc internet đầu tiên trong cả nước – Huế là đơn vị điều hành hệ thống và kết nối trực tiếp với trường đại học Oxford (1992) và từ đó kết nối với Viện Chăn nuôi, trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, trường Đại học Cần Thơ và Vụ HTQT – Bộ Giáo dục & Đào tạo. Hệ thống internet đầu tiên được duy trì 1992 – 1999 và giúp kết nối với nhiều Trường/Viện và tổ chức trên thế giới góp phần mở rộng và duy trì các mối quan hệ quốc tế cho đến khi hệ thống internet chính thống của Nhà nước thiết lập.

Tiếp nối các dự án về chăn nuôi hợp tác với Thuỵ Điển, dự án: Phát triển nông thôn bền vững ở Việt Nam (gọi tắt RDVIET) đã được Sida tài trợ từ 2004 đến 2011. Dự án này là sự hợp tác nghiên cứu và đào tạo giữa các trường/viện ở hai nước. Ở Thuỵ Điển, SLU là đối tác và ở Việt Nam, trường Đại học Nông Lâm Huế chủ trì. TS. Britta Ogle và TS. Malin Beckman (SLU) và GS.TS. Lê Đức Ngoan (HUAF) là chủ trì dự án ở hai phía.

Hợp tác với Australia – Cơ hội vàng cho nghiên cứu

Hợp tác với Australia bắt đầu từ một dự án nhỏ mang tên “Forage for Small Program” do ACIAR tài trợ, TS Peter Horne chủ trì phía Australia và GS.TS Lê Viết Ly, sau đó TS Lê Hoà Bình chủ trì phía Viêt Nam. Cán bộ khoa ta (thầy Lê Đức Ngoan, 1991-1992; thầy Lê Văn An, 1992-1995) tham gia dự án. Nhờ có các khởi động này mà chúng ta đã được đăng cai tổ chức Hội thảo quốc tế về Tiếp cận chăn nuôi nhiệt đới năm 1995 do ACIAR chủ trì. Hội thảo quy tụ gần 40 đại biểu quốc tế, trong đó có đại biểu đến từ 8 trường Đại học ở Australia tham dự.

Sau Hội thảo, một số dự án đã được hình thành, khoa ta đã phối hợp nhiều hoạt động trong các dự án với các trường/viện trong cả nước với các trường Đại học ở Australia, ví dụ: Dự án Điều tra đàn bò thịt (1996-1997); Dự án: Phát triển chăn nuôi lợn công nghiệp (2001-2002); Dự án xây dựng năng lực cho cán bộ khuyến nông Quảng Ngãi về chăn nuôi bò thịt (dự án CARD) và vv…

Sự phối hợp nghiên cứu đã củng cố thêm năng lực triển khai và quản lý dự án và có thêm nhiều kênh thông tin hợp tác với các trường/viện ở Australia. Vì vậy, năm 2002-2003, khoa ta đã phối hợp với DPI Victoria xây dựng thành công dự án: “Cải thiện hệ thống chăn nuôi bò thịt ở miền Trung, Việt Nam” (gọi tắt là Dự án LSP/2002/078). Dự án này đã được ACIAR tài trợ từ 2004-2007, chủ trì phía Australia là TS Peter Doyle và phía Việt Nam là GS. TS Lê Đức Ngoan và PGS. TS. Nguyễn Xuân Bả là điều phối viên. Sau thành công rất lớn dự án LPS/2002/078, dự án “Các hệ thống trồng trọt và chăn nuôi bền vững mang lại lợi nhuận cho vùng Duyên hải Nam Trung bộ Việt Nam” đã được ACIAR phê duyệt năm 2008. Đây là dự án kết hợp nhiều cơ quan cả hai nước và đa lĩnh vực và triển khai trong 4 năm. Về phía trường ĐHNL Huế đã chủ trì Hợp phần 3: “Kết hợp tốt hơn hệ thống chăn nuôi bò thịt và trồng trọt ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ, Việt Nam- SMCN/2007/109/3. Đến năm 2012, khoa CNTY đã kết hợp với trường Đại học Tasmania xây dựng thành công dự án “Nâng cao sức sản xuất bền vững và hiệu quả của các nông hộ chăn nuôi bò ở miền Trung, Việt Nam- LPS/2012/062, về phía Việt Nam do PGS.TS Nguyễn Xuân Bả là trưởng dự án; PGS.TS Nguyễn Hữu Văn là điều phối dự án; Phía Australia do TS. David Parsons là trưởng dự án, năm 2016 TS. David Parsons chuyển công tác sang Thụy Điển, PGS.TS Laurie Bourne làm trưởng dự án.

Thành công của dự án không chỉ là hàng chục bài báo khoa học đăng tải trên các tạp chí trong nước và quốc tế, các hội thảo khoa học hay mô hình sản xuất mà còn nâng cao kỷ năng nghiên cứu cho nhiều cán bộ trẻ và cơ hội học tập và đào tạo ở các trường Đại học ở Australia cho nhiều giáo viên của khoa. Dự án LSP/2002/078 đã tạo cơ hội cho PGS.TS Nguyễn Xuân Bả có được học bổng John Dillon sang Australia học kỹ năng lãnh đạo; Dự án SMCN/2007/109/3 đã tạo cơ hội cho ThS. Trần Thanh Hải; ThS Nguyễn Hải Quân có được học bổng John Allwright theo học thạc sĩ; NCS Hồ Lê Phi Khanh (khoa Khuyến Nông) có được học bổng làm tiến sĩ tại UTAS; PGS.TS Nguyễn Hữu Văn nhận học bổng  John Dillon. Dự án LPS/2012/062 đã tạo cơ hội cho ThS. Nguyễn Thị Dạ Thảo, giảng viên khoa Khuyến Nông nhận học bổng John Alwright làm tiến sĩ tại UTAS vào năm 2017. Bên cạnh các khóa học chính quy, hợp tác với Australia nhiều cán bộ của khoa đã được tham gia các khóa học về quản lý, kỹ năng viết bài báo khoa học … và tham gia nhiều hội thảo quốc tế khác.

Cơ hội vàng cho các hợp tác quốc tế khác

Nói đến khoa Chăn nuôi – Thú y là nói đến hợp tác quốc tế – là thế mạnh và cơ hội vàng cho sự phát triển của ngành chăn nuôi và thú y. Bên cạnh các nước Hà Lan, Thuỵ Điển và Australia, Nhật Bản, Mỹ, Đức, Vương quốc Bỉ, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan, Mông Cổ, Nga, Cộng hoà Séc, Trung Quốc, Đài Loan-Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Camphuchia, Indonesia, Philipines.. là những nước có nhiều quan hệ hợp tác nghiên cứu và đào tạo với khoa ta.

Năm 2005 – 2008, hợp tác nghị định thư với Đại học Quảng Tây (Trung Quốc) về chăn nuôi (TS. Võ Thị Kim Thanh chủ trì) đã khởi đầu cho các hợp tác sau đó. Nhiều thầy cô giáo đã có cơ hội được đào tạo tiến sĩ ở các trường Đại học ở Trung Quốc (thầy Nguyễn Xuân Hoà, thầy Đinh Văn Dũng, thầy Nguyễn Văn Chào).

Năm 2006, quan hệ với trường Đại học Tennesie (Mỹ) đã được kết nối bởi PGS. TS Nguyễn Tiến Vởn. Nhiều đoàn cán bộ và sinh viên của trường này đã đến giao lưu với cán bộ, sinh viên của khoa ta. Hợp tác với các trường Đại học ở Mỹ là cơ hội lớn để khoa ta hướng tới.

Năm 2012, hợp tác với Vương quốc Bỉ thông qua chương trình VLIR-IUC ký kết giữa Đại học Huế với các trường Đại học nói tiếng Hà Lan (VLIR) ở Bỉ. Chương trình này kéo dài từ 2012-2018 và sẽ tiếp tục ở các năm sau. Nhiều trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm Phân tích thức ăn và đánh giá chất lượng thịt đã được cung cấp, một số cán bộ, giáo viên của khoa đã và đang được đào tạo ngắn hạn (TS. Hồ Lê Quỳnh Châu, Ths. Võ Thị Minh Tâm) và tiến sĩ (NCS Nguyễn Hải Quân) ở trường Đại học Ghent.

Năm 2013 – 2016, hợp tác nghị định thư với Cộng hoà Séc về xây dựng năng lực nghiên cứu và đào tạo, do PGS. TS Lê Đình Phùng đã mở ra cơ hội mới cho hợp tác với các nước Trung Âu.

Từ 1990-2010, thông qua các chương trình SAREC và MEKARN, chúng ta đã kết nối với nhiều trường Đại học, Viện nghiên cứu ở Thái Lan (ĐH Chiangmai, ĐH Kasersrat, ĐH Khonkhaen, Đại học Kalasin, ĐH Songkla…), ở Lào (khoa Nông nghiệp – ĐHQG Lào, ĐH Luongprabang, ĐH…), ở Camphuchia (Đại học Nông nghiệp Hoàng gia, Viện chăn nuôi…), và đã đào tạo 2 tiến sĩ (TS. Chhay Ty và TS. Phiny) cho Camphuchia.

Lời kết

Bên cạnh các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất, hợp tác quốc tế là hoạt động cốt lõi góp phần xây dựng và phát triển một cơ sở đào tạo và nghiên cứu. Trong 50 năm qua, trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế (tiền thân là Trường Đại học Nông nghiệp 2 Hà Bắc) nói chung, khoa Chăn nuôi – Thú y nói riêng đã thực hiện thành công công tác này. Hai chương trình lớn và kéo dài (VH12, SAREC-MEKARN) và nhiều dự án, đề tài khoa học, nhiều trao đổi khoa học đã góp nên sự thành công và tạo nên các cơ hội vàng cho sự phát triển của Trường và Khoa. Trong xu thế hội nhập, khoa Chăn nuôi – Thú y cần có những cơ hội vàng như đã có, vượt qua các thách thức và trở ngại để phát triển nhiều hơn, mạnh hơn và tốt hơn các hợp tác quốc tế đặng góp phần cho đào tạo và nghiên cứu của mình.

 

KHOA CHĂN NUÔI THÚ Y VỚI NỬA THẾ KỶ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

 

Có thể tóm tắt hoạt động NCKH của khoa theo 2 thời kỳ lớn: Thời kỳ ở Hà Bắc và Thời kỳ ở Huế.

 

Thời kỳ ở Hà Bắc gồm 2 giai đoạn: trước và sau chiến tranh chống Mỹ. Giai đoạn đầu là từ 1967 đến 1975 và giai đoạn sau là từ 1975 đến 1982 (lúc trường có quyết định chuyển vào Huế).

 

Giai đoạn từ 1967 đến 1975, do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thời chiến, hoạt động nghiên cứu khoa học của khoa chủ yếu hạn chế trong khuôn khổ các đề tài nhỏ. Tuy vậy, đầu năm 1973 (vừa mới quay về địa điểm chính ở Việt Yên từ các nơi sơ tán), khoa được Bộ Nông nghiệp giao nhiệm vụ tham gia vào 2 chương trình trọng điểm quốc gia là: Chương trình lai giống lợnChương trình cải tạo đàn bò Vàng Việt Nam bằng con đường Sind hoá. Các chương trình này đã thu hút được gần như toàn bộ tiềm năng trí thức, trí tuệ của toàn khoa. Hoạt động nghiên cứu được định hình về mặt tố chức và cơ chế hoạt động, theo hướng phát huy tối đa sức người, sức của hiện có lúc bấy giờ. Xoay xung quanh 2 chương trình lớn, đội ngũ giáo viên đã được tổ chức thành các nhóm chuyên đề gồm: 1) nghiên cứu cơ sở (sinh lý, sinh hoá, di truyền); 2) giống; 3) dinh dưỡng – thức ăn; 4) kỹ thuật nuôi dưỡng – quản lý; và 5) sinh sản và thú y. Thời kỳ này phong trào NCKH của sinh viên cũng đã được khởi động và phát triển mạnh mẽ. Các phòng thí nghiệm và trại thực hành đã được sử dụng tối đa cho các hoạt động này.

 

Giai đoạn sau giải phóng, hoạt động nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh thêm một bước và mở rộng phạm vi cũng như quy mô nghiên cứu. Có thể tóm lược những hoạt động nghiên cứu nổi bật và có giá trị cống hiến cao trong giai đoạn này như sau.

 

Chương trình nghiên cứu về lợn lai kinh tế F1 là hoạt động nghiên cứu trung tâm của toàn khoa. Cùng với các công thức lai khác mà các đơn vị bạn nghiên cứu, công thức lại kinh tế F1 Landrace × Lang Hồng đã đóng góp rất lớn vào việc giải quyết nhu cầu cấp bách về thịt lợn ở nhiều địa phương ở miền Bắc. Công trình Nghiên cứu lợn lai (trong đó có khoa ta) đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000 (Quyết định số 391 KT/CTN)

 

Chương trình nghiên cứu về lai giống bò đã được triển khai ở nhiều nông trường như Đồng Giao, Hà Trung, Thanh Mai, v.v… Ngoài tham gia chương trình quốc gia về sử dụng đực giống Sind để cải tạo căn bản về tầm vóc và sơ bộ về sức sản xuất thịt sữa của đàn bò nội (Chương trình Sind hoá đàn bò), các cặp lai khác cũng đã được thăm dò, khảo nghiệm như Brown Swiss × Vàng, Hà Lan × Vàng, v.v. Ngoài ra, đề tài nghiên cứu lai tạo bò sữa được khởi động trước đó cũng đã cho ra thế hệ F3, góp phần đáng kể vào kết quả nghiên cứu chung của Chương trình sữa quốc gia.

 

Sau ngày thống nhất đất nước, khoa được Bộ Nông Nghiệp giao một nhiệm vụ mới là giúp các tỉnh miền Trung nhanh chóng phục hồi và phát triển sản xuất, đồng thời định hướng phát triển ngành chăn nuôi cho khu vực này. Cuối năm 1976, chương trình Móng Cái hoá đàn lợn được khoa ta bắt đầu tại Quảng Trị. Năm 1977, một nghiên cứu điều tra cơ bản về chăn nuôi lợn được tiến hành toàn diện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Nghiên cứu này đã đề xuất một chiến lược phát triển chăn nuôi lợn toàn diện, trong đó lấy Móng Cái hoá đàn lợn náiPhát triển rộng khắp lai kinh tế F1 (Đại Bạch × Móng Cái). Đề xuất được Bộ Nông Nghiệp chấp nhận và sau đó một loạt Trung tâm sản xuất lợn Móng Cái và đực Đại Bạch ra đời ở tỉnh này. Kết quả sau 5 năm triển khai, khối lượng lợn xuất chuồng bình quân đã tăng từ 33 kg (12 tháng nuôi) năm 1977 lên 82 kg (10 tháng nuôi) năm 1982. Năm 1979, một nghiên cứu tương tự đã được tiến hành ở tỉnh Nghĩa Bình (Bình Định – Quảng Ngãi) và cũng đã có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển chăn nuôi lợn ở địa phương.

 

Tương tự như chăn nuôi lợn, năm 1978 khoa cũng đã tiến hành một tổng điều tra về tình hình chăn nuôi trâu bò ở Quảng Nam – Đà Nẵng và hoạch định chiến lược phát triển cho đối tượng này. Từ những kết quả nghiên cứu, đề tài đã đề xuất chiến lược cải tạo đàn bò và nâng cấp ngành chăn nuôi bò địa phương bằng các giải pháp sau: 1) Phát triển hệ thống thụ tinh nhân tạo bò bằng tinh đông viên; 2) từng bước chuyển phương thức quảng canh sang bán thâm canh, và 3) mạnh dạn thử nghiệm trồng cỏ nuôi bò. Nhờ những nghiên cứu này, vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước, Quảng Nam – Đà Nẵng đã trở thành một điểm sáng trong toàn quốc về phát triển bò lai, chăn nuôi bò sữa và thâm canh chăn nuôi bò. Chương trình Cải tạo đàn bò được lan rộng mạnh mẽ vào những năm sau đó ra nhiều địa phương khác ở miền Trung. Từ chỗ chăn nuôi bò rất lạc hậu, đến nay 3 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đã trở thành lá cờ đầu về phát triển chăn nuôi bò trong cả nước. Những hoạt động nghiên cứu khoa học của khoa ta từ những ngày còn chưa vào Huế đã có góp phần vào sự phát triển đó.

 

Cũng ngay sau giải phóng, khoa được giao một nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đặc biệt là: tạo đàn trâu sữa bằng lai giữa trâu Murrah và trâu Việt Nam. Đây là một chương trình nghiên cứu quốc gia trọng điểm lúc đó gồm 4 đơn vị chủ lực tham gia: Đại học Nông nghiệp 2 Hà Bắc (Khoa CNTY), Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, Đại học Nông nghiệp 3 Bắc Thái và Viện Chăn nuôi. Dưới sự chủ trì của Chủ nghiệm khoa (Thầy Lê Viết Ly), 3 bộ môn (Chăn nuôi chuyên khoa, Di truyền Giống và Thú y) và Trại thực hành đã tiến hành nghiên cứu khá toàn diện (sinh sản của đàn trâu nội, thụ tinh nhân tạo, khả năng thích nghi của trâu Murrah, khả năng phát triển và sản xuất của con lai, v.v…) trong vòng 5 năm (1977-1982), góp phần quan trọng trong việc đóng góp những tri thức về vấn đề tạo trâu sữa ở nước ta. Tuy chương trình quốc gia này sau đó buộc phải dừng do bản chất sinh học của con trâu, song giá trị của những kết quả nghiên cứu là không nhỏ cho khoa học và cả sản xuất.

 

Về lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, thời kỳ trường còn ở Hà Bắc tập trung chủ yếu vào đối tượng con gà, với 2 nhóm đề tài lớn: 1) nghiên cứu các giống gà địa phương nổi tiếng ở miền Bắc và 2) nghiên cứu một số công thức lai giữa gà ngoại và gà nội. Nhóm đề tài thứ nhất đã được tiến hành in situ ở các nơi xuất xứ và tại trại thực hành thí nghiệm ở Hà Bắc. Các giống gà nổi tiếng như Ri, Đông Tảo, Hồ, Mía, Văn Phú, v.v… đã được nghiên cứu khá toàn diện về giống và tiềm năng sản xuất. Nhóm thứ hai đã khảo nghiệm nhiều cặp lai giữa các giống ngoại và các giống nội theo cả hai hướng lấy thịt và lấy trứng. Công thức Rhode × Ri và Plymouth × Ri đã được đánh giá là tốt và được phổ biến rộng ra sản xuất.

 

Bên cạnh các đề tài về chăn nuôi, mảng thú y cũng được đồng thời tiến hành rất tích cực. Do cách thức tổ chức lúc bấy giờ, các đề tài về thú y là một hợp phần bắt buộc trong các đề tài lớn để đảm bảo mục tiêu nghiên cứu chung của các chương trình lớn này thành công. Bên cạnh việc khởi động và đặt nền móng một cách toàn diện về các các lĩnh vực hẹp trong khoa học thú y, nghiên cứu trong thời kỳ này tập trung vào một số vấn đề trọng tâm: sản khoa và thụ tinh nhân tạo; bệnh ký sinh trùng trên gia súc và gia cầm; bệnh truyền nhiễm ở gia súc; bệnh phân trắng ở lợn con. Hướng sử dụng thuốc nam trong phòng trị bệnh cho gia súc gia cầm cũng được chú ý và thu được nhiều kết quả có giá trị.

 

Thời kỳ từ khi chuyển vào Huế đến nay cũng có thể tạm chia làm 2 giai đoạn: thời kỳ phát triển nội lực ở địa điểm mới (1983-1993) và từ 1993 đến nay – là thời kỳ phát huy nội lực bằng các hoạt động nghiên cứu khoa học đa dạng, phong phú và trưởng thành cả về chiều rộng cả về chiều sâu.

 

Khi trưởng mới vào Huế, khoa có sự biến động rất lớn về lực lượng con người và cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu. Trong khoảng mươi năm đầu ở Huế lại là thời kỳ đất nước ở vào hoàn cảnh hết sức khó khăn về kinh tế. Việc tổ chức các hoạt động nghiên cứu lớn không thể thực hiên được. Tuy vậy, nhờ sự kết hợp rất tốt với các địa phương và cơ sở chăn nuôi ở miền Trung, nhiều nghiên cứu nhỏ cũng đã được tiến hành và kết quả nghiên cứu đã phục vụ kịp thời cho sản xuất. Do cơ chế và thủ tục quản lý nghiên cứu khoa học lúc bấy giờ còn chưa đi vào chính quy, nền nếp như sau này, nên việc hình thành đề tài nghiên cứu, nguồn kinh phí hỗ trợ, cách tổ chức cũng có những nét riêng so với sau này. Các nghiên cứu hầu hết được phối – kết hợp chặt chẽ với các địa phương và các cơ sở sản xuất (chủ yếu khối nông trường quốc doanh và các cơ sở chăn nuôi tập thể), kinh phí và cả lực lượng cán bộ nghiên cứu thường là đóng góp từ hai phía. Do giai đoạn này nền kinh tế của đất nước vẫn đang chủ yếu hoạt động theo phương thức quản lý tập trung nên những nghiên cứu của khoa cũng gắn liền với các chương trình phát triển chăn nuôi của đất nước. Các lĩnh vực nghiên cứu khá đa dạng, nhưng có thể tóm tắt vào một số mảng như sau. Thứ nhất là các nghiên cứu về đối tượng động vật nhai lại. Nghiên cứu thời kỳ này tập trung vào 5 vấn đề lớn: 1) điều tra cơ bản để đánh giá đúng tiềm năng toàn diện cho phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê của khu vực miền Trung, 2) khảo sát khả năng thích nghi của bò sữa F3 (Hà Lan x Việt Nam) ở miền Trung (Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Khánh Hòa), 3) Khảo sát khả năng sản xuất của bò lai hướng thịt tại miền Trung, 4) Nghiên cứu các kỹ thuật nuôi dưỡng bê nghé và vỗ béo bò thịt, 5) nghiên cứu xử lý/chế biến rơm ra và phụ phế phẩm giàu xơ làm thức ăn cho bò. Thứ hai là các nghiên cứu về con lợn. Trong giai đoạn này các nghiên cứu về con lợn được đầu tư nhiều vào việc khảo sát các công thức lai kinh tế. Các đề tài về lai giống, thụ tinh nhân tạo, nuôi dưỡng lợn con theo mẹ, khảo sát khả năng sản xuất của các con lại, v.v… đều xoay quanh việc khảo sát để tìm ra công thức lai kinh tế tối ưu cho các địa phương. Thứ ba là mảng dinh dưỡng-thức ăn gia súc. Một số nghiên cứu về đồng cỏ, sử dụng các cây bản địa làm thức ăn cho lợn, và một số nghiên cứu về thức ăn bổ sung đã được nghiên cứu. Thứ tư là các nghiên cứu về thú y. Phát triển hệ thống thú y là một nhiệm vụ trọng tâm của tất cả các tỉnh miền trung trong giai đoạn này nên các nghiên cứu về thú y đã có sự kết hợp rất chặt chẽ với các địa phương và cơ sở chăn nuôi. Các đề tài về điều tra bệnh ký sinh trùng, bệnh truyền nhiễm, các nghiên cứu về chẩn đoán, điều trị đã được triển khai trên các đối tượng vật nuôi khác nhau và ở hầu khắp các vùng sinh thái ở miền Trung. Trong giai đoạn này, khoa cũng đã nhanh chóng xây dựng cơ sở vật chất và con người để triển khai các đề tài nghiên cứu cơ sở thú y ở địa bàn phòng thí nghiệm. Nhiều kỹ thuật tiên tiến về miễn dịch, chẩn đoán đã được nghiên cứu ứng dụng và về sau tích hợp trong nhiều nghiên cứu thú y. Có thể nói sau khi vào Huế, nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của khoa đã có sự trưởng thành rõ rệt về chất và vì thế đã tạo tiền đề cho sự thành công của nhiều nghiên cứu sau này.

 

Sau khoảng 10 năm xây dựng mới ở Huế, đặc biệt kể từ sau ngay bình thường hóa quan hệ với Hoa kỳ (1995), hoạt động nghiên cứu khoa học đã có nhiều khởi sắc. Một mặt kinh phí nghiên cứu dồi dào hơn hẳn trước đó (từ ngân sách và từ các chương trình hợp tác quốc tế) và đội ngũ đã trưởng thành cả về lượng và chất, mặt khác những thay đổi trong cơ chế quản lý cũng đã tạo điều kiện cho hoạt động nghiên cứu khoa học của khoa phát triển mạnh cả về chất và lượng. Số lượng các đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh, cấp Đại học Huế ngày càng tăng. Trong khoảng 20 năm gần đây, hàng năm có từ 2 đến 4 đề tài cấp bộ, 1 đến 2 đề tài cấp tỉnh, nhiều đề tài cấp cơ sở Đại học Huế và cấp Trường. Trong giai đoạn này, hợp tác quốc tế trong NCKH cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng như dự án nghiên cứu về phát triển chăn nuôi bò thịt với ACIAR (Úc) từ năm 1996, kéo dài qua nhiều pha đến tận lúc này, các đề tài do SAREC rồi sau này là MEKAN tài trợ tập trung vào nghiên cứu sử dụng thức ăn bản địa và kỹ thuật chăn nuôi lợn, gia cầm. Ngoài ra còn nhiều đề tài được tài trợ bởi nhiều nước hoặc tổ chức quốc tế khác đã được triển khai.

 

Các nghiên cứu trong thời kỳ này tập trung vào 3 đối tượng chính là con bò, con lợn và con gà. Các đề tài nghiên cứu trên con bò được tiếp nối các chủ đề về lai giống, các kỹ thuật chăn nuôi bê, bò sinh sản và vỗ béo thâm canh, các kỹ thuật chế biến phụ phế phẩm giầu xơ làm thức ăn cho bò, v.v… Ngoài những nội dung truyền thống trên, các nghiên cứu về con bò cũng được phát triển chiều sâu về chất như nghiên cứu cơ bản về phát triển dạ cỏ của bê dưới tác động của bổ sung sớm thực vật, và chiều rộng về lĩnh vực nghiên cứu như nghiên cứu các giải pháp đồng bộ giữa kỹ thuật và tổ chức sản xuất để tạo ra các mô hình chăn nuôi bò thâm canh, sản xuất cỏ theo hướng cao sản và quy mô lớn, phân tích chuỗi sản phẩm trong chăn nuôi bò thịt, v.v… Các vấn đề thời sự trong chăn nuôi bò (gia súc nhai lại) như sử dung khẩu phẩn TMR, FTMR, sử dụng thức ăn bổ sung để giảm thiểu sinh khí metan trong dạ cỏ cũng được quan tâm nghiên cứu và những kết quả ban đầu đã được xuất bản. Các nghiên cứu trên con lợn được tập trung chủ yếu vào việc khảo sát các công thức lai, các quy trình chăn nuôi cho khu vực nông hộ với quy mô nhỏ và vừa. Một số nghiên cứu cơ sở về dinh dưỡng, tiêu hóa hấp thu, một số nghiên cứu mới về nuôi dưỡng như sử dụng các khẩu phần phi truyền thống, v.v… cũng đã được thực hiện. Các nghiên cứu về gia cầm cũng đã có những phát triển mạnh trong giai đoạn này. Về giống, các đề tài tập trung vào việc khảo sát các giống gia cầm có tiềm năng vào miền trung. Về tổ chức sản xuất, nhiều đề tài về xây dựng các mô hình chăn nuôi gia cầm đã được triển khai ở nhiều địa phương, nhiều sinh cảnh và đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Một số nghiên cứu cơ bản về dinh dưỡng trên đối tượng gia cầm cũng đã được tiến hành và đang là hướng nghiên cứu có triển vọng tốt. Bên cạnh 3 đối tượng vật nuôi trọng điểm nói trên, con dê, con trâu và con thỏ cũng được coi là đối tượng trong nhiều nghiên cứu đã thực hiện tại khoa trong thời kỳ này, góp phần vào đa dạng hóa hoạt động nghiên cứu khoa học của khoa. Lĩnh vực thú y cũng có những phát triển đáng kể về số lượng và chất lượng đề tài nghiên cứu. Chủ đề nghiên cứu trong thú y tập trung vào kỹ thuật chẩn đoán, dịch tễ học và điều trị lâm sàng cho các bệnh truyền nhiễm. Xét về đối tượng bệnh, bên cạnh các loại bệnh truyền nhiễm truyền thống, các bệnh phổ biến như phân trắng lợn con, bệnh do E.coli ở gia súc gia cầm, bệnh cúm gà, cũng được đầu tư đúng mức và thu được nhiều kết qủa đáng khích lệ.

 

Cùng với hoạt động nghiên cứu của đội ngũ giáo viên, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên luôn được duy trì và ngày càng được phát triển cả về quy mô, cả về chất lượng nghiên cứu. Số lượng sinh viên tham gia nghiên cứu ngày càng nhiều, kinh phí cho một đề tài ngày càng lớn và tổ chức hoạt động này cũng ngày càng được cải tiến theo hướng tạo ra giá trị khoa học thực sự từ các đề tài do sinh viên tiến hành.

 

Những minh chứng cho thành tích nghiên cứu khoa học của khoa CNTY trong nửa thê kỷ qua có rất nhiều như số lượng đề tài nghiên cứu lên đến hàng trăm, số công trình nghiên cứu được công bố dưới dạng bài báo, báo cáo khoa học lên đến hàng nghìn, số lượng hàng trăm học viên cao học, tiến sĩ đã được đào tạo gắn liền với các hoạt động nghiên cứu này, v.v… Nhiều khen thưởng, từ nhà nước đến các địa phương, cho tập thể và các cá nhân trong khoa suốt chặng đường dài 50 năm cũng là một minh chứng khác cho thành tích nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên minh chứng và cũng là niềm tự hào nhất của lớp lớp thế hệ thầy trò trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học là những kết quả nghiên cứu đã góp phần làm thay đổi căn bản tình hình sản xuất thực phẩm của đất nước và góp phần làm cho đời sống của người nông dân, đặc biệt người nông dân vốn nghèo khó ở miền Trung, ngày càng tốt hơn./.

[1]Remembrance of the Vietnam-Holland University Cooperation in Việt Nam – Holland University Cooperation – 1975-1988; pp 9-26.

Bài trướcThông báo về việc đón tiếp sinh viên năm thứ nhất làm thủ tục nhập học đợt 1 năm 2020
Bài tiếp theoTHƯ CẢM ƠN TỪ CÔNG TY SUNJIN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here