Lịch sử hình thành và phát triển

0
923

“55 năm một chặng đường …”

Trong hoàn cảnh chiến tranh ngày càng ác liệt, Đảng và Chính phủ đã sớm nghĩ đến việc đào tạo một đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật “vừa hồng, vừa chuyên” để hướng dẫn bà con nông dân phát triển sản xuất, phục vụ chiến đấu, đồng thời chuẩn bị lực lượng xây dựng miền Nam sau ngày giải phóng. Vì vậy, trường Đại học Nông nghiệp 2 được ra đời trong hoàn cảnh đó. Trường được thành lập theo quyết định số 124 – CP ngày 14 tháng 8 năm 1967 của Thủ tướng Chính phủ, có nhiệm vụ đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp có trình độ Đại học, chủ yếu phục vụ cho các tỉnh phía Bắc miền Trung. Khoa Chăn nuôi-Thú y là một trong các khoa được thành lập cùng thời điểm này. Lúc bấy giờ, trường và khoa đóng tại huyện Việt Yên, tỉnh Hà Bắc (bây giờ là tỉnh Bắc Giang) với cơ sở vật chất nghèo nàn. Khái quát về giai đoạn này, thầy Trần Đình Miên có câu thơ:

Tranh, tre, nứa, lá trường tuy nhỏ

 Đào tạo con người sự nghiệp to”

GIAI ĐOẠN Ở HÀ BẮC 1967-1983

Ngay từ ngày đầu thành lập trường, khoa Chăn nuôi Thú y (CNTY) chưa có trường, lớp và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo nên sinh viên được sơ tán vào các thôn Sơn Quang, Đồng Môi, Cha Lý, Văn Xá. Thời kỳ này, tất cả phải nhờ vào dân, ngay họp khoa cũng phải ngồi trên phản, giường của dân và lớp học là đình chùa hay trụ sở hợp tác xã. Sau đó, được chuyển về khu Đồn Lương – địa điểm chính của trường (thuộc huyện Việt Yên). Khi mới chuyển về, cơ sở vật chất của trường cũng rất nghèo nàn: giảng đường, phòng thí nghiệm, chuồng trại, nhà ở đều bằng vách đất, tranh, tre, nứa, lá. Có thể nêu ra đây một hình ảnh hết sức cảm động: có thời, nhà ở của sinh viên không có tranh lợp, đành phải lợp bằng tấm cót, mà chỉ là cót ruột chứ không phải cót cật. Mỗi khi mưa xuống, các gái cũng như trai sinh viên chỉ còn biết dùng tấm ni lông che lấy giường và quần áo còn mình thì chịu ướt. Tuy khó khăn như vậy nhưng khoa ta vẫn tiến hành công tác đào tạo.

Công tác giảng dạy

Khoá học đầu tiên khai giảng vào tháng 10 năm 1967 và lúc này khoa CNTY đào tạo 2 ngành học: Chăn nuôi và Thú y. Trường và Khoa dành tuần lễ đầu tiên học chính trị đầu khóa với các nội dung:

– Đường lối chủ trương chống Mỹ cứu nước

– Chủ trương phát triển nông nghiệp thời chiến

– Các nghị quyết Trung ương về Đại học và nhiệm vụ năm học của Khoa

Sau đợt học tập chính trị, bắt đầu dạy và học các môn khoa học cơ bản: toán, lý, hóa, thực vật học, động vật học… của năm đầu và sau đó là các môn khoa học cơ sở và chuyên khoa. Có thể tóm tắt các môn học cơ sở và chuyên khoa của 2 ngành đào tạo như sau:

Ngành chăn nuôi: Giải phẫu, tổ chức-mô phôi, sinh lý, sinh hóa, di truyền giống, thống kê sinh vật học, nông hóa thổ nhưỡng, thức ăn và chế biến thức ăn gia súc, đồng cỏ, cơ khí hóa chăn nuôi, khí hậu thời tiết, các môn chuyên khoa: trâu, bò, lợn, dê, ngựa, gia cầm…

Ngành thú y: Vi sinh vật, ký sinh trùng, bệnh nội khoa, bệnh truyền nhiễm, vệ sinh thú y, thụ tinh nhân tạo…

Đến khóa 3 (1969), do yêu cầu thực tế nên 2 ngành này kết hợp thành một. Kể từ thời điểm đó, khoa CNTY chỉ đào tạo 1 chuyên ngành ở bậc đại học đó là ngành Chăn nuôi-Thú y. Hàng năm số lượng sinh viên tuyển vào khoảng 100. Đã có một thời sinh viên chỉ thích học ngành CNTY và số đơn chiếm gần 50% tổng số đơn xin thi vào trường.

Vào những ngày mới thành lập, các thầy giáo được điều động về khoa từ nhiều nơi khác nhau: trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (thầy Trần Phúc Thành…), trường Đại học Tổng hợp (thầy Lê Văn Tưởng…), trường Đại học Sư phạm, trường Trung cấp Nông Lâm Trung ương Hà Nội (thầy Đào Huy Địch, Trương Hoài Châu, Phan Duy Anh, Lê Quang Nghiệp, Phạm Thế Nghiệp, Lê Văn Thọ), trường Trung cấp Nông Lâm Trung ương Nghệ An (thầy Lê Viết Ly, Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Phước Tương, Lê Văn Tố, Trần Văn An, cô Chu Thị Bích Đào), và từ các trường Đại học ngoài nước về (thầy Lê Văn Liễn, Hoàng Gián, Nguyễn Văn Bảo, Trần Đình Miên)…

Vượt qua những khó khăn ban đầu, giáo viên của khoa dần dần được bổ sung, củng cố và trong thời gian còn ở Hà Bắc đã hình thành và ổn định tổ chức: Ban chủ nhiệm, Bộ môn Chăn nuôi chuyên khoa, Bộ môn Thú y cơ bản, Bộ môn Ký sinh trùng-Truyền nhiễm, Bộ môn Sinh lý-Giải phẫu, Bộ môn Sinh hóa-Thức ăn, Bộ môn Di truyền-Giống, Phòng thí nghiệm trung tâm…

Quán triệt nguyên lý “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”, khoa đã xác định:

– Nội dung các môn học phải bao gồm nội dung lý thuyết, thực hành, thực nghiệm của từng môn học; nội dung thực hành, thực tập ở trại trường, ở các hợp tác xã địa phương, ở các Nông trường quốc doanh.

– Thường xuyên bồi dưỡng tư tưởng, tác phong, phương pháp giảng dạy cho từng giáo viên, công nhân viên.

– Giáo viên xây dựng giáo án cho từng môn, từng bài giảng, tiến tới viết giáo trình cho từng môn và do nhà trường tự in và phân phối.

Chất lượng đào tạo: quản lý dạy và học, các quy chế thi, kiểm tra, xét tuyển lên lớp, kỹ năng thực hành… được đem ra toàn khoa thảo luận sôi nổi nhiều lần rồi cùng với các phòng chức năng xác lập đề cương hướng dẫn.

Khoa cũng đã chú trọng đến xây dựng trại trường với quan điểm rõ ràng đây là cơ sở để giảng dạy, học tập và là nơi giáo viên và học sinh thực hành và làm nền tảng cho nghiên cứu khoa học.

Khoa cũng sớm bắt tay vào việc xây dựng giáo án, viết giáo trình, cải tiến phương pháp giảng dạy. Giáo án giảng dạy được tổ hợp Khoa – Trường – Công đoàn kiểm tra trực tiếp ở lớp cho từng môn, từng giáo viên. Việc làm này đã giúp cho giáo viên không ngừng cải tiến phương pháp giảng dạy, đặc biệt là giáo viên mới. Công tác thi đua dạy tốt, học tốt được chú ý, cũng nhờ hoạt động này mà số lượng giáo viên dạy giỏi của khoa đã tăng lên qua từng năm. Về giáo trình, ban đầu sử dụng giáo trình của các trường bạn, rồi dần dần tự viết, tự in và tự chỉnh lý bổ sung qua từng khóa học. Nhiều thầy, cô của khoa đã tham gia viết giáo trình và tài liệu tham khảo. Một số giáo trình được in typo (hình thức in hiện đại thời bấy giờ) như: Giáo trình chọn giống và nhân giống gia súc của thầy Trần Đình Miên, Giáo trình di truyền động vật (2 tập) của thầy Trần Đình Miên và Hoàng Gián, Giáo trình chăn nuôi lợn của thầy Nguyễn Hiền, Giáo trình chăn nuôi đại cương của thầy Đặng Vũ Bình… Ngoài in typo, nhiều giáo trình đã được in roneo (in qua giấy nến), vì vậy, trong thời gian ở Hà Bắc phần lớn các môn học đều có giáo trình.

Công tác học tập

Theo phương châm “… đào tạo kỹ sư vừa hồng, vừa chuyên..” “học đi đôi với hành..”, khoa CNTY đã triển khai chủ trương của trường về việc đào tạo trên 4 địa bàn (sau này được thể hiện qua bài hát Mái trường thân yêu của Văn Ký):

  1. Địa bàn giảng đường (địa bàn 1): tại đây, sinh viên nghe giảng, ghi chép và thảo luận phần lý thuyết môn học cùng các thầy, cô giáo.
  2. Địa bàn phòng thí nghiệm (địa bàn 2): tại đây, sinh viên được thực hành các kỹ năng, kỹ thuật phân tích, sử dụng dụng cụ, máy móc rất hiếm thời ấy: kính hiển vi độ phóng đại lớn, điện di trên giấy và trên gel tinh bột, sắc ký, quang phổ… Đến 1978, phòng thí nghiệm của khoa được trang bị khá đầy đủ và hiện đại nhờ hợp tác với hiệp hội các trường đại học Hà Lan (NUFFIC).
  3. Địa bàn trại thực hành (địa bàn 3): tại đây, sinh viên được bổ sung thêm kiến thức, áp dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất, rèn luyện thao tác, tay nghề về chăn nuôi, thú y như nuôi dưỡng, chăm sóc, lập kế hoạch phát triển đàn gia súc, vệ sinh chuồng trại, tiêm, thiến, hoạn, thụ tinh nhân tạo, chẩn đoán và điều trị các loại bệnh. Trong một khóa học, sinh viên phải trải qua các công trình rèn nghề tổng hợp: trồng cây thức ăn gia súc (cỏ voi, bèo dâu, rau lấp…) – năm thứ 2, chăn nuôi lợn thịt – năm thứ 3 (mỗi lớp nuôi 100 con từ cai sữa đến xuất chuồng), ấp trứng và nuôi gà đến xuất bán – năm thứ 4. Trước khi thi tốt nghiệp, sinh viên phải thi đạt tay nghề công nhân bậc 4 (bậc tối đa là 7).
  4. Địa bàn hợp tác xã và Nông trường quốc doanh (địa bàn 4): Mỗi khóa học sinh viên đều có một số tuần lễ đi lao động, phục vụ sản xuất kết hợp với học tập nghề nghiệp tại các hợp tác xã hay nông trường, trạm, trại… Nhờ hoạt động này mà khoa CNTY đã xây dựng được mối quan hệ tốt với nhiều cơ sở sản xuất như Hợp tác xã (HTX) Thanh Phương (thị xã Bắc Ninh), HTX Ruồng Nguộn (Việt Yên), HTX Tân Cầu (Tân Yên), HTX Hồng Thái (Viêt Yên), HTX Tiên Hường (Vĩnh Phú)…, Nông trường Tam Đảo, Nông trường Ba Vì, Nông trường Mộc Châu, Xí nghiệp thuốc Thú y (Phùng, Hà Tây)… Ở Nông trường Ba Vì, khoa đã xây dựng nhà ở tạm cho cả giáo viên và sinh viên, và tại đó, mỗi lớp đã ở lại 2-3 tháng để học tập và phục vụ (khoảng 1973-1974).

Nhờ biết rõ điểm yếu về trang thiết bị phòng thí nghiệm mà khoa đã làm hết sức để gắn kết học lý thuyết với thực hành tại trại trường (thông qua trực trại), thực tập ở cơ sở sản xuất như hợp tác xã, nông trường… Học tập, giảng dạy kết hợp với sản xuất là một trong những điểm mạnh của khoa CNTY so với các khoa khác trong trường vào thời điểm bấy giờ.

Công tác nghiên cứu khoa học

Ngay từ khi mới thành lập Trường và Khoa đã chú ý kết hợp giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và lao động sản xuất. Trong những năm đó, Bộ Nông nghiệp đã quyết định cho triển khai hai đề tài lớn ở trường (trong đó, có một đề tài về chăn nuôi):

– Nghiên cứu thâm canh trên đất bạc màu trung du (bao gồm cơ cấu cây trồng giống lúa, giống màu, mùa vụ, tính chất đất…).

– Lai lợn kinh tế theo hướng sản xuất tổng hợp: lúa, lang, lạc, lợn để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Đề tài này sau đó được nâng lên thành đề tài Quốc gia.

Do đề tài đã đạt được nhiều kết quả tốt và được nhân dân trong khu vực ứng dụng vào thực tế, kết hợp với thành tích giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, quân sự… của trường và khoa; tỉnh Hà Bắc, Bộ Nông nghiệp, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp nhiều lần tặng thưởng cho trường và khoa CNTY, Thủ Tướng Chính phủ tặng bằng khen cho đề tài.

Đề tài “…lợn lai kinh tế…” của khoa kết hợp với các Viện, Trường khác thành đề tài lớn và được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000.

Ngoài đề tài trên, khoa đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khác nhau về con bò vàng, con trâu nội, trâu Murha, con gà… Kết quả các nghiên cứu góp phần phục vụ sản xuất và làm phong phú tư liệu về vật nuôi bản địa, phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu sau này. Đặc biệt là công trình nghiên cứu một cách toàn diện và lần đầu tiên về con bò Vàng Việt Nam của thầy Lê Quang Nghiệp và con trâu nội của thầy Lê Viết Ly. Công tác nghiên cứu khoa học của khoa CNTY khá sôi nổi và thành công, chủ yếu là do xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của sản xuất và nhanh chóng đưa trở lại phục vụ sản xuất.

Công tác hợp tác quốc tế

Khoa CNTY là khoa đầu tiên của trường nhận được sự giúp đỡ và hợp tác của một trường Đại học danh tiếng trên thế giới: đó là trường Đại học Nông nghiệp Wageningen, Hà Lan. Ngay từ lúc đất nước vừa thống nhất, thầy Lê Viết Ly là người đầu tiên được mời sang thăm và đã mở đầu cho một sự hợp tác lâu dài và hiệu quả. Năm 1976, viện trợ khoa học đầu tiên đã đến với trường, đó là máy móc, dụng cụ trang bị cho phòng phân tích sữa tương đối hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, sinh viên của trường bạn cũng gửi tặng các bạn trẻ của trường ta một bộ nhạc cụ hiện đại và rất có giá trị gồm trống, kèn và các loại đàn. Bộ nhạc cụ này đã được sử dụng cho các lần hội diễn văn nghệ của trường sau này.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, năm 1979, khoa đã được tham gia dự án VH12 – một phần trong chương trình hợp tác lớn do khối các trường Đại học Hà Lan tài trợ (NUFFIC). Chủ nhiệm dự án phía Việt Nam là thầy Lê Viết Ly, phía Hà Lan là TS G. Montsma – Bộ môn chăn nuôi nhiệt đới trường Đại học Nông nghiệp Wageningen. Sau khi trường chuyển về Huế, thầy Trần Đình Từ và thầy Nguyễn Kim Đường tiếp tục làm chủ nhiệm dự án cho tới năm 1987. Điều lớn nhất mà dự án VH12 mang lại đó là trong lúc cần thiết nhất, nó đã giúp khoa đào tạo nguồn nhân lực – đội ngũ thầy giáo – đủ mạnh để tiếp cận với khoa học kỹ thuật tiên tiến từ nước ngoài. Nhiều cán bộ giảng dạy đã được nâng cao về chuyên môn, thông thạo ngoại ngữ, trở thành nòng cốt của các bộ môn, như các thầy giáo Lê Viết Ly, Trần Đình Từ, Đặng Vũ Bình, Nguyễn Văn Bảo, Vũ Bình Minh, Nguyễn Văn Thuận, Đặng Tất Nhiễm, Đỗ Trọng Dư, Hoàng Thạch, Hoàng Nghĩa Duyệt, Nguyễn Văn Duệ, Lê Đức Ngoan, Nguyễn Tiến Vởn, Đàm Văn Tiện, Nguyễn Kim Xin, Phạm Khánh Từ, Trần Sáng Tạo, Trương Thanh Cảnh… Tính đến nay, đã có 18 cán bộ, giáo viên và gần 30 lượt người của khoa sang Hà lan tham gia các khóa đào tạo dài hạn (2 thạc sĩ, tiến sĩ) và ngắn hạn. Trên nền tảng của kiến thức và tiếng Anh được nâng lên từ chương trình VH12, sau này nhiều giáo viên đã đi học cao học và tiến sĩ ở Úc, Thụy Điển, Mỹ, Nhật Bản, Đức… Trong thời gian hợp tác, 7 phòng thí nghiệm của khoa được trang bị khá đầy đủ thiết bị hiện đại và khá đồng bộ. Có thể nói dự án hợp tác quốc tế VH12 là bước đột phá, mở đường cho các chương trình, dự án hợp tác quốc tế sau này của khoa và của nhà trường. Vị thế của trường đại học Nông nghiệp 2 và của khoa đã được nâng lên rất nhiều từ những hợp tác ban đầu này.

Công tác tổ chức

1967-1969: Ngay lúc mới thành lập, bác sĩ thú y Đào Duy Địch là trưởng Ban chăn nuôi Thú y trường trung cấp Nông Lâm Trung ương Hà Nội và kiêm chủ nhiệm khoa Chăn nuôi Thú y trường Đại học Nông nghiệp 2 trong lúc hai trường còn song song tồn tại chung một địa điểm.

1969-1971: Khi trường Trung cấp Nông Lâm Trung ương hoàn thành nhiệm vụ, bác Đào Duy Địch nghỉ quản lý (1969), thầy Trần Phúc Thành làm chủ nhiệm (chủ nhiệm khoa đầu tiên) và thầy Trương Hoài Châu phó chủ nhiệm khoa. Năm 1971, thầy Trần Phúc Thành chuyển công tác về Hà Nội, thầy Trương Hoài Châu phụ trách khoa và thầy Đỗ Xuân Tăng làm phó chủ nhiệm.

1971-1975: Thầy Trần Đình Miên (phó tiến sĩ nông nghiệp ở Liên Xô) làm chủ nhiệm khoa. Thầy Trương Hoài Châu và Đỗ Xuân Tăng làm phó chủ nhiệm khoa. Năm 1974, thầy Trương Hoài Châu chuyển sang làm phó chủ nhiệm khoa kinh tế, thầy Phan Duy Anh làm phó chủ nhiệm.

1975-1977: Năm 1975, thầy Trần Đình Miên tham gia ban quân quản thành phố Đà Lạt, thầy Phan Duy Anh làm quyền chủ nhiệm khoa. Sau đó, thầy Lê Văn Thọ (phó tiến sĩ ở Bungari) làm chủ nhiệm khoa, thầy Phan Duy Anh và Đỗ Xuân Tăng làm phó chủ nhiệm khoa. Năm 1977, thầy Phan Duy Anh chuyển sang làm Giám đốc trại thực hành của trường, thầy Hoàng Gián làm phó chủ nhiệm.

1977-1979: Thầy Lê Văn Thọ tiếp tục làm chủ nhiệm khoa, còn phó chủ nhiệm gồm thầy Hoàng Gián và thầy Đỗ Xuân Tăng và sau đó thầy Đỗ Xuân Tăng chuyển công tác về Thanh Hóa (1978) và thầy Lê Văn Thọ chuyển vào trường Cao đẳng Nông Lâm nghiệp Huế.

1980-1983: Thầy Lê Viết Ly – trưởng Phòng khoa học của trường chuyển về làm chủ nhiệm khoa, còn phó chủ nhiệm lúc đầu là thầy Hoàng Gián và thầy Nguyễn Văn Bảo (1980-1981), sau đó là thầy Hoàng Gián và thầy Trần Đình Từ (1981-1983). Khi chuyển trường vào Huế, thầy Hoàng Gián chuyển công tác về sở Nông nghiệp Thanh Hóa và thầy Lê Viết Ly chuyển về Viện chăn nuôi Quốc gia.

Hoạt động khác

Ngoài các công tác trên, Khoa còn tham gia tích cực vào hoạt động tự vệ trường. Cả khoa là một tiểu đoàn, mỗi lớp là một trung đội… được trang bị vũ khí đạn dược, luyện tập hàng năm, tổ chức canh gác, sẵn sàng chiến đấu… Nhiều sinh viên các khóa 1, 2, 3, 4 của khoa cùng một số giáo viên lần lượt lên đường nhập ngũ và có nhiều sinh viên đã hy sinh oanh liệt trên các chiến trường phía Nam của Tổ quốc.

Năm 1971, đê sông Hồng bị sạt lở phía Tả ngạn. Nhà trường bị nước lụt bao quanh, đường sá bế tắc hàng tuần. Mùa hè năm 1972, con sông Cầu lại đe dọa vỡ và đe dọa bị dội bom. Để đề phòng vỡ đê, giáo viên và sinh viên toàn khoa làm việc suốt ngày đêm cùng nhân dân huyện Việt Yên, đắp đập, tôn bờ chống lũ. Đồng thời, toàn khoa cũng tham gia công tác khắc phục lũ lụt ở các tỉnh Miền trung.

Cuối năm 1972, trường bị máy bay Mỹ ném xuống khu vực các lớp học 14 quả bom nổ chậm, bom từ trường, toàn trường và toàn khoa lại tổ chức cảnh giới không cho người qua lại cả ngày lẫn đêm hàng tuần liền cho đến khi địa bàn được giải tỏa. Sinh viên khoa ta lại một lần nữa sơ tán lên Ruồng Nguộn, Quán Rãnh… Thầy giáo Chính dạy môn hóa của khoa đã hy sinh trong dịp này.

Cuối năm 1979, thầy trò khoa ta lại lên đường tham gia giải quyết hậu quả chiến tranh, vệ sinh môi trường và phát triển chăn nuôi ở các tỉnh phía Bắc.

Để thực hiện phương châm đào tạo con người toàn diện, khoa CNTY hòa chung với toàn trường đã tổ chức phong trào văn nghệ hàng năm và luôn dẫn đầu về phong trào này. Nhiều bài hát ca ngợi trường, ca ngợi khoa được giáo viên của trường và các nhạc sĩ sáng tác. Một trong những bài hát của khoa khá phổ biến thời ấy – đến nay vẫn còn dư âm là bài “Con lợn lai” của thầy Nguyễn Đình Lan:

 Con lợn là con lợn lai, nó to nó béo ấy nó dài nó cao, nó sinh ra từ khi nào?

Ai mà muốn biết xin ghé vào trường tôi, trường tôi Đại học Nông nghiệp 2

Nhiều giọng ca của cán bộ, giáo viên và sinh viên khoa CNTY như: Nguyễn Văn Thuận, Đoàn Liên, Vân Hà, Lê Nga, Minh Tâm… – là những cán bộ, giáo viên và sinh viên khoa CNTY – đã trở thành quen thuộc với khán, thính giả của trường nói riêng và cả nước nói chung trong các buổi phát thanh “khắp nơi ca hát” trên sóng của đài tiếng nói Việt Nam.

Hơn 15 năm hình thành và phát triển trên mảnh đất Hà Bắc, một thời kỳ đầy gian khổ với bom rơi đạn nổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, với sự uy hiếp của thiên tai… nhưng với sự đoàn kết nhất trí, nỗ lực vượt bậc, sáng tạo và kiên định của thầy và trò toàn khoa, chúng ta đã ghi một trang sử hào hùng vào sự phát triển của ngành Đào tạo, ngành Nông nghiệp và đặc biệt là vào lòng Đảng bộ và nhân dân Hà Bắc cũng như các tỉnh phía Bắc.

Trong thời kỳ này, khoa đã đào tạo 14 khóa với khoảng 1350 kỹ sư cho đất nước. Đáng tự hào biết bao các thế hệ thầy trò của khoa Chăn nuôi-Thú y thời kỳ ấy: 1967-1983.

THÀNH PHỐ HUẾ – GIAI ĐOẠN 1984 – 2022

Sau ngày thống nhất đất nước, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có quyết định số 213/CP ngày 5-8-1983, sát nhập trường Đại học Nông nghiệp 2 Hà Bắc với trường Cao đẳng Nông Lâm nghiệp Huế thành trường Đại học Nông nghiệp 2 Huế với nhiệm vụ tiếp tục đào tạo kỹ sư nông nghiệp cho cả miền Trung và Tây Nguyên. Như vậy, trường và khoa ta lại chuyển địa điểm vào thành phố Huế theo quyết định trên và sát nhập với ban CNTY của trường Cao đẳng Nông Lâm Huế được thành lập năm 1979 thành khoa CNTY, trường Đại học Nông nghiệp 2 Huế (xem Lịch sử trường ĐHNL Huế – 2007).

Có thể coi việc di chuyển khoa và trường từ Hà Bắc vào Huế là cả một chiến dịch – gần một năm; từ việc tiền trạm, đóng gói trang thiết bị thí nghiệm và đồ dùng gia đình cho đến việc nhiều thầy cô phải hàng tuần nằm trên các toa tàu hàng và ô tô để áp tải hàng đến nơi an toàn.

Công tác đào tạo

Do khó khăn trong việc chuyển trường, nên tất cả sinh viên khóa 15 và 16 phải gửi đào tạo tiếp tại trường Đại học Nông nghiệp 3 (Bắc Thái) và trường Đại học Nông nghiệp 1 (Hà Nội), còn khóa 14 chỉ thực tập tại miền Trung và thi tốt nghiệp tại trường Trung học Nông nghiệp Điện Bàn (Quảng Nam – Đà Nẵng). Sau đó, Khoa lại ngừng đào tạo 1 năm (không có khóa 18) để ổn định cơ sở vật chất.

Trong thời gian đầu sát nhập với trường Cao đẳng Nông Lâm nghiệp Huế, khoa còn tham gia đào tạo 2 lớp Cao đẳng chăn nuôi cuối cùng (CC4 và CC5).

Từ năm 1984-1994, khoa CNTY chỉ đào tạo ở bậc đại học với 1 chuyên ngành: Chăn nuôi Thú y. Số lượng sinh viên hàng năm khoảng 100 và đào tạo trong 4,5 năm.

Năm 1994, khoa mở đào tạo cao học ngành Chăn nuôi động vật nông nghiệp, sau này là chăn nuôi động vật (mã số 62.62.50.01). Hàng năm số học viên cao học 6-10 người.

Năm 1994, khoa đào tạo thêm ngành Thú y (5 năm) và ngành Nuôi trồng thủy sản (4 năm) ở bậc đại học và mỗi năm có khoảng 50 sinh viên cho mỗi ngành. Vì mở thêm ngành đào tạo thủy sản nên khoa CNTY đổi tên thành khoa Khoa học vật nuôi (KHVN).

Năm 1998, khoa tiến hành đào tạo tiến sĩ, chuyên ngành Chăn nuôi động vật (mã số 62.62.50.01), đến nay đã có 19 NCS bảo vệ thành công và 2 NCS đang tiếp tục làm đề tài luận án.

Năm 2002, khoa mở thêm ngành cao học Thú y (mã số: 60.62.50), mỗi năm có khoảng 5-7 học viên.

Năm 2005, bộ môn Nuôi trồng thủy sản được mở rộng và phát triển thành khoa Thủy sản, khoa KHVN lại đổi lại tên truyền thống: khoa Chăn nuôi Thú y.

Năm 2021, Khoa mở thêm nghành Cao học Chăn nuôi đào tạo bằng tiếng Anh.

Công tác nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất

Do sự thay đổi địa điểm nên mất một thời gian khoa chúng ta mới thực sự tiến hành một số công tác nghiên cứu khoa học phục vụ cho sản xuất ở miền Trung. Khoa ta là khoa đầu tiên được Bộ giao nhiệm vụ hoạch định chiến lược phát triển chăn nuôi ở miền Trung (từ Nghệ An đến Nghĩa Bình cũ). Chiến lược này là tiền đề cho phát triển chăn nuôi (như tăng đàn, tăng khả năng sản xuất của vật nôi) trong khu vực.

Khoa CNTY cũng là đơn vị đầu tiên thực hiện chương trình Móng Cái hóa đàn lợn nái, đào tạo dẫn tinh viên, đưa kỹ thuật trồng cỏ, nuôi bò sữa… mà hiện nay các Sở NN – PTNT cũng như các Trung tâm khuyến nông ở các tỉnh miền Trung đã và đang áp dụng và phát triển.

Đáng kể nhất là các điều tra, khảo sát với quy mô lớn nhằm đánh giá tiềm năng và trở ngại trong chăn nuôi ở khu vực này. Sau này, nhiều nghiên cứu tập trung vào vấn đề thức ăn gia súc (do hợp tác với SAREC – Thụy Điển và ACIAR-Úc), bệnh ký sinh trùng trâu bò, bệnh dịch tả lợn, và hệ thống chăn nuôi ở nông hộ. Kết quả đã được ứng dụng trực tiếp vào sản xuất có hiệu quả. Một số nghiên cứu cơ bản như cúm gia cầm, tập tính gia súc, bảo tồn vốn gene vật nuôi bản địa… đã và đang triển khai. Nhiều đề tài hợp tác quốc tế, đề tài Nhà nước, cấp bộ trọng điểm, cấp bộ và cấp trường và các đề tài liên kết đã được triển khai.

Để phục vụ cho nghiên cứu, bộ Giáo dục và Đào tạo và bộ Khoa học và Công nghệ đã đầu tư hơn 11 tỷ VND (năm 2004-2006) xây dựng Phòng thí nghiệm trọng điểm với thiết bị hiện đại đủ năng lực phân tích thức ăn và sản phẩm vật nuôi, chẩn đoán bệnh thú y và thủy sản… Trung tâm này trở thành trung tâm phân tich với thiết bị hiện đại bậc nhất miền Trung, có năng lực phân tích, xét nghiệm kịp thời cho hầu hết các loại mẫu, bệnh phẩm trong khu vực.

Công tác hợp tác quốc tế

Phát huy truyền thống của những năm tại Hà Bắc, khoa CNTY tiếp tục phát triển và vẫn là khoa dẫn đầu về hợp tác quốc tế ở trường. Sau chương trình hợp tác với Hà Lan (VH12), nhiều chương trình HTQT của khoa vẫn tiếp tục mở rộng. Trong đó phải kể đến là chương trình hợp tác với SAREC (Thụy Điển) từ năm 1990 thông qua GS Lê Viết Ly (lúc đó là Phó viện trưởng viện chăn nuôi quốc gia). Chương trình hợp tác này đã góp phần nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu rất đáng kể cho khoa ta. Trước hết, số cán bộ khoa học đã được đào tạo có bằng tiến sĩ và thạc sĩ là 12 người (từ năm 1992 đến 2007) và hàng chục lượt cán bộ tham gia các khóa ngắn hạn.

Thầy, cô khoa CNTY cũng là người đầu trong việc đề xướng, thành lập và lãnh đạo Trung tâm PTNT, dự án canh tác trên đất dốc, dự án quản lý tài nguyên vùng đối và đầm phá… mà hoạt động của nó cho đến nay vẫn tiếp tục phát triển và mở rộng.

Hàng năm có đến 6-8 đề tài nghiên cứu khoa học của cán bộ được tài trợ bởi SAREC. Một số thiết bị (vi tính, thiết bị thí nghiệm) cũng được dự án tài trợ và nâng cấp. Thông qua chương trình SAREC, khoa CNTY là một trong những đơn vị có hệ thống liên lạc internet đầu tiên ở Huế và trong cả nước (kết nối với trường đại học Oxford, 1992). Với hệ thống liên lạc này, thông tin mới bổ sung cho bài giảng được cập nhật, các mối quan hệ quốc tế ngày được mở rộng.

Từ các hợp tác quốc tế mang tính chất tài trợ (đào tạo, trang thiết bị), đến nay sự hợp tác đó đã vươn lên tầm cao mới – hợp tác song phương như: nghị định thư với Italia, Trung Quốc, các hợp tác với ACIAR (Úc)… Nhiều cán bộ của khoa là chủ trì các dự án hợp tác quốc tế, như dự án hợp tác với IDRC (Canada), Bỉ, Thụy Điển… Hiện nay, khoa đã có quan hệ hợp tác với nhiều trường Đại học và cơ quan quốc tế như trường Đại học Nông nghiệp Wageningen và trường đại học Utretch (Hà Lan), trường Đại học khoa học Nông nghiệp Thụy Điển, trường đại học Melbourne, Queensland (Úc), trường đại học Obihiro, Okayama, Nipon (Nhật Bản), trường đại học Tennessee (Hoa Kỳ).

Khoa đã tổ chức và tham gia nhiều hội thảo quốc tế và nhiều bài báo đã được đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Vì vậy, vai trò và vị thế của khoa ngày càng được khẳng định. Nhiều cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao sự trưởng thành và đóng góp của khoa CNTY trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo.

Công tác tổ chức

Khi trường có quyết định chuyển vào Huế, một bộ phận lớn cán bộ của khoa chuyển nơi công tác (ước tính 65%), đặc biệt là các thầy cô có kinh nghiệm và trưởng các đầu ngành. Điều này đã gây không ít khó khăn ban đầu cho công tác đào tạo của Khoa và Trường tại miền Trung. Tuy nhiên, với sự bổ sung của đội ngũ cán bộ giảng dạy từ trường Cao đẳng Nông Lâm nghiệp Huế, khoa CNTY đã nhanh chóng tập hợp đội ngũ và có số lượng lớn thứ 2 trong trường.

1984-1992: thầy Trần Đình Từ làm Trưởng khoa và Phó trưởng khoa lần lượt là thầy Hồ Quang Sửu – nguyên là Trưởng ban chăn nuôi, trường Cao đẳng Nông Lâm nghiệp Huế (1984-1985), thầy Lê Khắc Huy (1986-1987), thầy Nguyễn Kim Đường (1988-1992).

Trong thời gian gian này, khoa CNTY có 5 bộ môn và 1 trại thực hành thí nghiệm: Bộ môn Di truyền – Giống, Bộ môn Thú y, Bộ môn Sinh hóa – Dinh dưỡng, Bộ môn Chăn nuôi chuyên khoa, Bộ môn Sinh lý – Giải phẫu với khoảng 45 cán bộ công chức, trong đó chỉ có 4 tiến sĩ.

1992-1996: Năm 1992, thầy Trần Đình Từ chuyển vào Công ty thuốc Thú y Trung ương 2 (Tp. Hồ Chí Minh), thầy Nguyễn Kim Đường làm Trưởng khoa và thầy Nguyễn Văn Duệ làm Phó trưởng khoa. Số bộ môn của khoa không thay đổi, số lượng cán bộ khoa khoảng 50, trong đó có bổ sung một tiến sĩ. Năm 1994, do yêu cầu của thực tế sản xuất, khoa mở thêm ngành Nuôi trồng thủy sản. Bộ môn Thủy sản được thành lập từ một số cán bộ của khoa (Nguyễn Kim Đường, Tôn Thất Chất, Lê Văn Phước) và sau đó cán bộ từ sở thủy sản Thừa Thiên Huế và trường Đại học tổng hợp Huế, thầy Nguyễn Kim Đường kiêm trưởng bộ môn. Như đã nói ở trên, khoa ta đổi tên khoa Khoa học Vật nuôi.

1996-2000: Thầy Nguyễn Đức Hưng từ trưởng phòng Giáo vụ và Công tác sinh viên về làm Trưởng khoa và thầy Nguyễn Văn Duệ làm Phó trưởng khoa. Đến tháng 4/1998, do yêu cầu của Đại học Huế, thầy Nguyễn Đức Hưng chuyển công tác (trưởng ban đào tạo, ĐH Huế), thầy Nguyễn Văn Duệ làm trưởng khoa (đến 6/2001) và thầy Trần Sáng Tạo là phó trưởng khoa. Số lượng cán bộ khoa KHVN khoảng 50-53, trong đó có 5 tiến sĩ.

2001-2004: Tháng 6/2001, thầy Lê Đức Ngoan được bầu làm Trưởng khoa, thầy Trần Sáng Tạo và thầy Nguyễn Quang Linh làm Phó trưởng khoa. Số các bộ môn không thay đổi, tuy nhiên thay đổi các trưởng bộ môn. Trại thực hành thí nghiệm (trước đây ở trong khuôn viên trường) chuyển xuống xã Thủy An và đổi thành Trung tâm nghiên cứu vật nuôi Thủy An (thầy Nguyễn Văn Phong phụ trách). Cơ sở được xây dựng khang trang hơn, đủ điều kiện triển khai các nghiên cứu có chất lượng.

2005-2007: Thầy Lê Đức Ngoan làm Trưởng khoa, và thầy Lê Văn Phước và Phùng Thăng Long làm Phó trưởng khoa. Tháng 2/2007, thầy Phùng Thăng Long được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Khoa học – Đối ngoại, thầy Nguyễn Xuân Bả làm Phó trưởng khoa.

Trong thời kỳ này có một số thay đổi về tổ chức. Tháng 1/2005, bộ môn Thú y tách thành 2 bộ môn: Thú y học lâm sàng (thầy Giang Thanh Nhã – Trưởng bộ môn) và Kí sinh – Truyền nhiễm (thầy Phạm Hồng Sơn – Trưởng bộ môn) và Phòng thí nghiệm trung tâm – được đầu tư của bộ Giáo dục và Đào tạo (như đã đề cập ở trên) được thành lập (thầy Hồ Trung Thông làm Trưởng phòng). Tháng 3-2007, do nhu cầu của thực tế về đào tạo tay nghề cho sinh viên, Bệnh xá thú y được thành lập (thầy Lê Hữu Nghị làm tổ trưởng).

Đến thời điểm này, số tổ bộ môn trong khoa là 9 (Bộ môn Di truyền – Giống gia súc, Bộ môn Sinh lý – Giải phẫu gia súc, Bộ môn Sinh hóa – Dinh dưỡng gia súc, Bộ môn Chăn nuôi chuyên khoa, Bộ môn Thú y học lâm sàng, Bộ môn Ký sinh – Truyền nhiễm, Phòng Thí nghiệm trung tâm, Bệnh xá thú y và Trung tâm nghiên cứu vật nuôi Thủy An), số lượng cán bộ làm việc trực tiếp ở khoa 50 và 7 kiêm nhiệm, trong đó có 22 tiến sỹ, chiếm 50% số lượng giáo viên; hơn 80% giáo viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên.

2007-2009: Thầy Lê Đức Ngoan được Nhà trường bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng trường Đại học Nông Lâm Huế nhiệm kỳ 2005-2009, thầy giáo Đàm Văn Tiện được đề cử làm Trưởng khoa, thầy Nguyễn Xuân Bả, Phó trưởng khoa phụ trách hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học và Trại thực hành Thủy An; Thầy Lê Văn Phước là phó trưởng khoa phụ trách đào tạo, nội chính khoa. Các bộ môn và đơn vị trong khoa vẫn giữ nguyên là 9 đơn vị.

2009-2014: Nhiệm kỳ mới của nhà trường, thầy Đàm Văn Tiện được tái bổ nhiệm làm Trưởng khoa và thầy Phạm Hồng Sơn, Phó trưởng khoa phụ trách nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; thầy Hồ Trung Thông, Phó trưởng khoa phụ trách nội chính và đào tạo. Đến tháng 1/2013, thầy Nguyễn Minh Hoàn từ Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng đào tạo được nhà trưởng bổ nhiệm làm Trưởng khoa thay cho thầy Đàm Văn Tiện. Trong giai đoạn này, nhà trường thành lập Viện Nghiên cứu và Phát triển nên Trại Thủy An được tách ra khỏi Khoa (về quản lý hành chính) và sát nhập với các trại/trung tâm khác trong nhà trường. Do vậy số đơn vị thuộc khoa chỉ có 8 (6 bộ môn và 2 đợn vị trực thuộc là Bệnh xá thú ý và phòng Thí nghiệm trung tâm).

2015-2019: Nhiệm kỳ 2015-2019, thầy Nguyễn Xuân Bả được bổ nhiệm làm Trưởng khoa và 2 Phó trưởng khoa là thầy Nguyễn Hữu Văn, phụ trách hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học; thầy Trần Quang Vui, phụ trách đào tạo và công tác sinh viên.

2020-2025: Nhiệm kỳ 2020-2025, thầy Nguyễn Hữu Văn được bổ nhiệm làm Trưởng khoa và 2 Phó trưởng Khoa là thầy Đinh Văn Dũng, phụ trách khoa học, công nghệ, đào tạo sau đại học và hợp tác quốc tế; thầy Trần Quang Vui, phụ trách đào tạo và công tác sinh viên. Năm 2020, thực hiện chủ trương tái cơ cấu tổ chức của Đại học Huế, Khoa Chăn nuôi Thú y đã tiến hành tái cơ cấu mạnh mẽ. Từ 6 bộ môn chuyển thành 2 bộ môn và 1 trung tâm trực thuộc khoa. Các bộ môn Chăn nuôi chuyên Khoa, Dinh dưỡng và Hoá sinh động vật, Di truyền giống vật nuôi, Sinh lý giải phẫu sáp nhập thành Bộ môn Chăn nuôi. Các Bộ môn Thú y học lâm sàng, Ký sinh truyền nhiễm sáp nhập thành Bộ môn Thú y. Trại Thuỷ An tổ chức lại thành Trung tâm Thực hành và Đào tạo nghề Chăn nuôi Thú y.

Năm 2022, Thầy Nguyễn Hữu Văn được bổ nhiệm phó Hiệu trưởng trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, thầy Đinh Văn Dũng được bổ nhiệm làm Trưởng Khoa nhiệm kỳ 5 năm (2022-2027). Phó trưởng khoa là Thầy Trần Quang Vui và Thầy Nguyễn Hải Quân.