Nữ cử nhân “bám làng” khởi nghiệp

0
296

            Tốt nghiệp đại học nông lâm, từ bỏ nhiều cơ hội việc làm tại các địa phương khác để quay về “bám đất”, “bám làng” khởi nghiệp, đó là câu chuyện về Võ Thị Thu Dung-tấm gương đoàn viên thanh niên tiêu biểu trong cuộc vận động “Thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng” của Hội LHTN xã Trường Xuân với mô hình chăn nuôi tổng hợp .
           Quê hương Dung là một địa bàn miền núi khó khăn nằm ở phía Nam của huyện Quảng Ninh. Toàn xã có 5 thôn, 5 bản, có 2 dân tộc Kinh và Vân Kiều cùng sinh sống. Địa bàn cách trở, đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt. Ngành nghề chủ yếu của bà con là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và trồng rừng. Dung xuất thân từ gia đình đông con; bố và mẹ đều làm nông nghiệp.
           Tuy cuộc sống vất vả, nhưng với ý chí “ham cái chữ”, bản thân Dung theo đuổi trọn vẹn đại học nông lâm với ngành chăn nuôi thú y. Trong một lần xem chương trình “Sinh ra ở làng” trên truyền hình, Dung nhận thấy bản thân có nhiều thuận lợi để lập nghiệp tại quê. Vì vậy, sau khi ra trường, Dung quyết định xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho gia đình.

Không chỉ sản xuất giỏi, Võ Thị Thu Dung còn là cán bộ Đoàn năng nổ, nhiệt tình trong mọi công tác.

            Đầu năm 2014, Dung cùng với gia đình mạnh dạn vay mượn ngân hàng và bà con gần 380 triệu đồng để đầu tư con giống và xây dựng chuồng trại chăn nuôi tổng hợp lợn, gà. Bước đầu lập nghiệp gặp muôn vàn khó khăn. Bởi sau vài lứa nuôi, Dung thiệt hại gần 90 triệu đồng. Nữ cử nhân nhận ra, những kiến thức đã được học ở nhà trường có một khoảng cách khá xa so với thực tế. Việc thiếu kinh nghiệm trong sản xuất và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thêm vào đó thời tiết diễn biến phức tạp đã khiến Dung đứng trước ngưỡng cửa rủi ro và thất bại.
            Tuy nhiên, với tinh thần của những người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám mạnh mẽ đứng lên từ thất bại, Dung quyết không cam chịu số phận mà tiếp tục theo đuổi. Nhiều tháng trời sau đó, Dung đi đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người để tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và tìm nơi để mua con giống có uy tín.
          Cuối năm 2015, Dung mạnh dạn trở lại với giấc mơ của đời mình. Cô đầu tư 200 con lợn giống, 8 ngàn con gà và thực hiện quy trình chăn nuôi hợp lý. Những lần nuôi liên tiếp đều cho hiệu quả cao. Nhờ vậy, Dung đã trả được nợ và có một phần lãi tích lũy cho gia đình.
           Không dừng lại ở đó, Dung quyết định mạnh dạn đầu tư thêm 180 triệu đồng để tiếp tục xây dựng, cơi nới chuồng trại, đưa các giống lợn, gà có năng suất, chất lượng và phù hợp với điều kiện thời tiết của địa phương để mở rộng quy mô. Kết quả, năm 2016, sản phẩm thu được gồm 8 tấn thịt lợn, 14,4 tấn thịt gà. Trừ chi phí, gia đình Dung thu được 220 triệu đồng/năm.
           Đầu năm 2017, Dung cho trồng thêm 200 gốc mít, ổi, vú sữa để tăng hiệu quả sử dụng đất một cách tối ưu. Đến nay, Dung đã sở hữu cho mình một trang trại chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp với diện tích 1 hecta. Sẵn có “lưng vốn trong tay”, năm 2018, Dung mở đại lý bán bán thức ăn chăn nuôi và con giống. 
           Mô hình chăn nuôi tổng hợp của Dung không chỉ được bà con thương lái trên địa bàn huyện tin tưởng chất lượng để đặt hàng thu mua, mà còn góp phần khuyến khích động viên người dân tại địa phương xây dựng phong trào sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
          Thành công của Võ Thị Thu Dung đã truyền cảm hứng rất lớn cho nhiều bạn trẻ tại miền đất khó Trường Xuân trên con đường khởi nghiệp. Bóng hồng 9X còn là là một cán bộ Đoàn xinh đẹp, năng nổ. Với tư cách là UV BCH Đoàn xã, Bí Thư chi đoàn Nam Kim Sen, nhiều năm liền, Dung được UBND xã tặng giấy khen nhờ có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here