Như những chuyện cổ tích

0
255

    Tôi về nhận công tác tại khoa Chăn nuôi Thú y Trường Đại học Nông Nghiệp 2 Hà Bắc vào những năm tám mươi của thế kỷ trước (1980). Lúc đó chuyện ra trường của sinh viên khác hẳn bây giờ. Một trăm phần trăm sinh viên ra trường đều được nhà trường và Bộ chủ quản (Bộ Nông nghiệp) phân công nhận việc hết liền. Số sinh viên học giỏi thì được giữ lại trường hoặc về trường khác làm cán bộ giảng dạy. Tôi là sinh viên trường khác về .
    Nhà trường vẫn còn nơi sơ tán, dấu tích chiến tranh vẫn còn rải rác đó đây, những chiếc hầm chữ A chưa kịp dỡ bỏ, những ụ pháo và trận địa tên lửa cỏ đã mọc xanh rì nhưng vẫn kia trên “ Đồi tên lửa”. Những hội trường, nhà Ban Giám hiệu, nhà ăn tập thể đến lán sinh viên, phòng thí nghiệm … đều là “nhà tranh vách đất”. Thế mà cái “cổ máy” của một trường Đại học ấy cứ “chạy” đều bất chấp những khó khăn, gian khổ mà bây giờ ngồi nghĩ lại thấy không hiểu tại sao mình lại vượt qua được.
     Trước hết hãy nói về cuộc sống. Nghĩ đến thời bao cấp thì đã thấy “rùng mình” rồi.  Cuộc sống của hàng nghìn con người trên những ngọn đồi ở cái miền “trung du bán sơn địa” ấy thì chẳng ai quên. Ai cũng biết ba nhu cầu thiết yếu của con người là Thức ăn, nước và không khí thì hai thứ thật khốn khó là nước và thức ăn. Ngày nghỉ chủ nhật có mấy lạng thịt trong phiếu thực phẩm các thầy phải phân công nhau thức xếp hàng từ tối hôm trước, có khi mãi đến chiều hôm sau mới mua được thịt mang về. Vào mùa hè nóng hầm hập, thịt đã có mùi khó chịu….nhưng biết sao được. Đó là chưa nói đến cái chuyện hàng trăm người chen chúc nhau ở cái cửa hàng thực phẩm có mấy chục mét vuông, mua được ký thịt ra mồ hôi ướt sũng như tắm, có người ngất xỉu. Đến bữa cơm, nói là cơm cho sang vậy thôi chứ phần lớn là bắp, khoai lang, bo bo, và bột mỳ. . .
     Chuyện nước nôi mới là điều khủng khiếp. Nhà trường đóng trên vùng đồi, chẳng có con sông nào chảy qua nên chủ yếu dùng nước giếng khơi, lúc đó ai có tiền mà khoan giếng nước ngầm như bây giờ đâu. Tôi ở khu G3 cả khu có vài cái giếng, cái giếng gần nhà tôi gọi là “giếng 3000”. Tôi không hiểu tại sao lại có cái tên là lạ vậy, có người bảo tiền đào giếng hết 3000 đồng, mà 3000 đồng lúc đó là số tiền không nhỏ (vì khoảng 2000 đống là mua được căn nhà ngói 3,4 gian rồi). Giếng sâu lắm phải nối đến mấy sợi dây thừng cái gầu mới chạm mặt nước. Múc được một gầu nước lên là toát hết mồ hôi, nhưng cũng chỉ mấy người múc là kiệt nước. Người ta cũng đào thêm mấy cái giếng nữa nhưng rồi khô không khốc. về mùa hè thì hầu như khô cạn. Có một cài giếng nữa gọi là giếng “Thanh Nhành”, vì sau nhà vợ chồng ông Thanh bà Nhành. Ông bà là công nhân làm ở “Trại thực tập thí nghiệm” của trường. Cái giếng này nằm giữa hai dãy nhà có hai dãy chuồng heo nên nước có màu đùng đục và mùi thum thủm phân và nước tiểu heo. Vậy mà cũng phải dùng cho việc rửa ráy hoặc tắm giặt, bí quá biết sao được. Có khi đang lên lớp, hội họp mà cứ lo ngay ngáy chiều nay đi xin nước ở đâu đây (?). Nhiều bữa phải “trốn” về nửa buổi chiều vượt qua dãy mương khá sâu sang làng bên cạnh xin nước. Xin mải thì người ta cũng khó chịu, phải năn nỉ, nói khó với họ. Có khi phải thủ mấy cái kẹo trong túi nếu chỉ  gặp trẻ con của họ ở nhà thì dỗ dành để xin múc được hai lưng thùng nước gánh về dùng.. Nước rất hiếm như vậy nên dùng rất hạn chế, phải “quay vòng”, ví dụ nước rửa rau xong dùng luôn để rửa chén bát, sau đó mới tráng lại chút nước sạch, cuối cùng dùng để nấu cám heo hay rửa chuồng hay tắm cho heo. Lại nói chuyện chăn nuôi là muôn vàn khó khăn và ô nhiễm nhưng cũng phải làm vì chính “heo lại nuôi người” lúc bấy giờ. 
     Chuyện tìm ra chất đốt mới là gian nan. Làm gì có gas như bây giờ. Thôi thì tìm đủ thứ để có thể cho vào bếp: củi, trấu, lá mía, than đá, than củi .. nhưng kiếm ra nơi để mua được những thứ đó mới là trần ai. Có khi đạp xe đạp lên tận thị xã Bắc Giang, về tận Thị Cầu, Bắc Ninh …mới mua được bao trấu. Có người vào tận đồi sim, đồi muồng xa xôi để chặt mấy bụi cây gánh về phơi để đun. Có một chuyện có lẽ chẳng ở đâu người ta làm là nấu bánh chưng tết bằng lá mía và nồi áp suất. Thôi thì nấu hai ba cái bánh chưng nhỏ trong nồi áp suất. Nấu sôi lên là tắt lửa để nguội vớt ra là có bánh chưng. Bánh chưng mà nấu kiểu này ăn chẳng ngon lành gì, nó có vị nồng nồng, nhão nhão lạ lắm. Người nấu phải rất khéo léo, phải canh chừng không khéo nó nổ tung bét ra là lá và nếp trộng lẫn với nhau như cháo. Thôi thì kiếm vài cái để gọi là ăn tết và cúng ông bà.
      Còn nhiều chuyện cười ra nước mắt nhưng viết ra đây cũng có thể ai đó không tin nhưng là sự thật như nó đã xẩy ra. Chỉ có điều lúc đó người ta vẫn vẫn sống vui vẻ, vẫn làm việc hăng say, vẫn ca hát. Các đề tài vẫn được tiến hành đều đều trong các phòng thí nghiệm và khắp các địa bàn từ miến cao nguyên xuống ven biển tới các vùng nông thôn hẻo lánh xa xôi. Thầy trò vẫn trên những chiếc xe đạp, thậm chí ba lô cuốc bộ khắp các nẻo đường mưa rét thấu xương của vùng núi núi phía Bắc hay nắng cháy da thịt của mùa hè vùng Trung du Băc Bộ. Các khóa học vẫn ra trường mà chất lượng đâu có kém bây giờ nếu không muốn nói là hơn. Nhà trường có đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên tuyệt vời. Tôi còn nhớ lúc tôi về nhận công tác có vị bí thư Đảng ủy là một là một viên Trung tá chuyển ngành, dáng dong dỏng cao, quắc thước giống như một vị chính ủy trung đoàn. Người ta nói ông điều hành nhà trường theo kiểu nhà binh. Ông trưởng thành từ binh nghiệp mà. Ông là Vũ Văn Tụ. Còn ông Hiệu trưởng là vị Tiến sỹ, Giáo sư đạo mạo, bệ vệ nhưng lại nhẹ nhàng và hiền lành như một ông bụt. Ông gọi tất cả giáo viên bằng từ “Thầy”, từ “Cô” trịnh trọng, dù hôm qua người đó còn là một sinh viên mới nhận quyết định ở lại để đào tạo thành giáo viên tập sự. Ông là Giáo sư Đỗ Ánh. Bây giờ thì họ đã trở thành người “thiên cổ” cả rồi. Nếu nói về công trạng với trường thì không ai có thể quên những con người như thế. Cũng có chuyện rất lạ và tức cười là nếu ghép ba chữ ký của ba ông: Ông Vũ Văn Tụ (ông ký giống chữ “TAO” ông Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Nguyễn Văn Khoái (ông ký nguyên chữ “KHOÁI” và ông Hiệu trưởng Đỗ Ánh, ông ký thành chữ “ ĐÁNH” thề là thành một tập hợp từ” Tao khoái Đánh”. Nhưng ba ông này lại hiền lành như đất, phúc hậu và chẳng thấy “ĐÁNH” ai bao giờ.
     Tôi thật may mắn được sống trong cái thời đó tại Khoa CNTY của trường Đại học ấy, bời trong tôi cũng không thể quên những con người xứng đáng là “Cây Đa Cây Đề” của ngành nghề và của khoa lúc bấy giờ. Trong khó khăn họ biết kết nối nhau lại để sống và làm việc. Trưởng khoa là PTS. Lê Viết Ly.

    Đó là một con người có sức thuyết phục kỳ lạ. Ông cao lớn đẹp trai, có khuôn mặt “rất Tây”, có giọng nói truyền cảm và nhẹ nhàng, lúc nào cũng nở nụ cười thật đôn hậu. So với chúng tôi lúc đó ông có một gia đình và cuộc sống “lý tưởng” mà nhiều người mơ ước, nhưng trong công việc thì ông thật giản dị, hòa đồng và trách nhiệm như một người anh cả trong nhà. Ông là Chủ nhiệm khoa nhưng ông cũng là một giáo viên lên lớp như mọi người. Ông chủ nhiệm nhiều đề tài NCKH cấp nhà nước về gia súc lớn. Tôi còn nhớ trong ông đau đáu một nỗi niềm “ Đất nước mình nghèo, nền văn minh lúa nước, với hơn chín mươi phần trăm là nông dân “con trâu là đầu cơ nghiệp” là tài sản lớn của nhà nông. Nếu không cải tiến, lai tạo làm mới lại thì các giống trâu bò của ta sẽ thoái hóa dần. Tôi còn nhớ ông có một ý chí lớn là muốn đưa con trâu sữa Murrah Ấn Độ vào Việt Nam. Nói thực lúc đó chúng tôi thích thú với đề tài này vì mơ ước ngày mai đây trên những cánh đồng cỏ, trên những thửa ruộng và trang trại nước ta sẽ thấp thoáng những đàn Murrah hay giống lai Murrah với trâu nước VN nhởn nhơ gặm cỏ, Trẻ em Việt Nam sẽ có sữa trâu Murrah mát lành, bổ dưỡng thơm ngon. Trâu lai Murrah sẽ kéo cày trên những thửa ruộng hoặc cho thịt. Một điều rất dễ hiểu là điều kiện khí hậu thời tiết của VN không khác nhiều với Ấn Độ. Nhưng chính con trâu Murrah có những tập tính rất khác thường: khả năng sinh sản thấp, tập tính bầy đàn giống loài rất cao, ít chịu “chơi” với trâu ta. So với bò thì năng suất sữa thấp hơn. Trâu ta là giống trâu nước nên lội đầm lội ruộng, cày cấy và kiếm thức ăn chẳng ngại ngần nhưng con Murrah thì lại chăn thả trên bãi cỏ khô như bò. Thực ra có những ước vọng thật tốt đẹp của con người lại “lực bất tòng tâm”. Cho đến nay tôi vẫn trân trọng những hoài bảo lớn của ông về câu chuyện con Murrah và những gì ông đã làm mãi mãi trong trái tim của chúng tôi.
    Đất nước sau những năm chiến tranh khó khăn bộn bề lại bị sự cấm vận quốc tế do Mỹ đứng đầu với Việt Nam nên nền kinh tế sa sút tưởng như không thể gượng dậy nổi. Tìm ra “kênh”  nào để giao lưu, mở cửa và hòa nhập ra thế giới là việc hết sức cần thiết, nhất là với  một Trường Đại học. Cũng có những giao tiếp Quốc tế của nhà trường nhưng có lẽ “VH12 project” do Thấy Lê Viết Ly đứng đầu tại Đại học NN2, ở khoa CNTY là chương trính tuyệt vời nhất lúc bấy giờ. Với “VH 12 Project” mấy chục phòng thí nghiệm hiện đại được trang bị, hàng chục cán bộ, giáo viên được cử ra nước ngoài đào tạo và cũng rất nhiều chuyên gia nổi tiếng của Hà Lan sang lên lớp tại khoa CNTY. Ông đã mở ra một trang mới rực rỡ nhất về HTQT lúc bấy giờ. Không phải chỉ những người được tham gia “VH12 project” quý mến và biết ơn ông mà cả khoa CNTY lúc đó sống động vui vẻ hẳn lên. Từ các phòng thí nghiệm có thiết bị hiện đại, các lớp tập huấn có chuyên gia nước ngoài tới giảng bài, các lớp tiếng anh ngày đêm rộn ràng … “Xóm nhà lá ” tự nhiên vui hơn. Họ như một gia đình thân ái, đoàn kết thương yêu nhau như trong một nhà. Tôi hiểu trong khó khăn của đời sống kinh tế như vậy người đứng đầu xử lý được chuyện ai được đi, ai chưa được đi Hà Lan không phải ai cũng làm được. Cũng có thể sau này có nhiều hợp tác quốc tế khác nhưng chính ông là người dẫn đường, người tạo lập nền móng cho những hoạt động quan hệ hợp tác quốc tế hiệu quả nhất lúc đó và tuong lai. Bởi ông là người vừa có tâm vừa có tầm. Cho dủ sau này không cùng đi hết chặng đường sống và làm việc với Thầy Lê Viết Ly nữa nhưng trong tim chúng tôi vẫn có một thần tượng khó phai.
    Năm 1984-1985 nhà trường chuyển vào Tp Huế, ông chuyển về làm “sếp” của viện Chăn nuôi. Ông lại tiếp tục với những dự án, đề tài lớn hơn. Ông là “Điều phối viên” chương trình FAO ở VN, là chủ nhiệm chương trình SAREC với Thụy Điển v.v …  nên lại có điều kiện liên hệ và giúp cho việc hợp tác Quốc tế của Khoa CNTY, Nhà trường và các địa phương   khác rất tốt. Ông là người hoạt động khoa học không biết mệt mỏi và thành công trong nhiều dự án đề tài trong đó phải nói đến công trình “ Bảo tàng nguồn gen vật nuôi ở Việt Nam”  mà ông tâm đắc. Nhà nước đã phong hàm ông là P.Giáo sư năm 1991 và Giáo sư nam 1996 để ghi công lao của ông.
    Có một chuyện thật vui thế này, trong Ban chủ nhiệm khoa có ba người với ba cái tên rất đẹp, nghe phảng phất như tên của các “quan văn”, “quan võ” ngày xưa. Chủ nhiệm khoa PTS. Lê Viết Ly, hai phó là PTS. Hoảng GiánPTS. Trần Đình Từ (các học vị lúc đó gọi vậy)
    Thầy Hoàng Gián quê ở Thanh Hóa. Gia đình vẫn ở quê nên thầy cũng ở nửa căn phòng nhà lá vách đất như những thầy giáo cô giáo độc thân chúng tôi. Thầy cũng tự lo lấy cơm nước và mọi thứ. Thầy là chàng trai tốt nghiệp bên Trường Tổng hợp, về dạy di truyền giống cho khoa. Thầy nhanh nhẹn đẹp trai, da dẻ hồng hào, vui vẻ, hết giờ là bóng chuyền, bóng bàn với bọn giáo viên và sinh viên xong cũng cởi trần, mặc quần xà lỏn cùng nhau xúm quanh cái giếng, dội nước ào ào. Cũng may mà ở cái đồi mà khoa CNTY “đóng đô” có cái giếng lúc nào cũng có nước. Trường chuyển vào Huế, Thầy Hoàng Gián về làm phó Giám đốc sở NN và PTNT tỉnh Thanh Hóa. Thầy Hoàng Gián cũng đã “ra đi”….   
    Thầy Trần Đình Từ, nhỏ nhắn hơn, hiền lành, hay cười. Lúc tôi về khoa nhận công tác thầy Từ vừa bảo vệ PTS ở Hungarya trở về. Thầy Trần Đình Từ cũng là chủ nhiệm bộ môn Thú y của chúng tôi. Những ngày mới tôi thực sự ấn tượng với ông. Tôi còn nhớ anh em chúng đã từng trên hai cái xe đạp lên dốc, xuống đèo, khắp ngóc ngách làng xã, trang trại xa xôi … không kể mưa nắng rét mướt. Mệt thì ghé vào quán cóc làm vài cái kẹo lạc, kẹo dồi, vài ly nước trà đặc rồi lại đi, vất vả mà vui.
    Thầy Từ quê ở Quảng Trị, Vợ Thầy Từ là cô giáo Phan Quỳnh Tương, một cán bộ giảng dạy Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Khoa Trồng Trọt có thâm niên ở trường nên Thầy cô và hai cháu cùng đi với trường. Thầy được phong hàm Phó Giáo sư và trở thành Trưởng khoa CNTY từ những ngày đầu trường vào Huế. Cuối năm 1989 tôi và gia đình chuyển vào Tp. Hồ Chí Minh làm việc cho Công ty Thuốc Thú y TW (NAVETCO). Cũng phải nói rằng sự quyết định ra đi để vào Tp HCM của chúng tôi lúc đó rất khó khăn vì dù sao bản thân tôi và gia đình tôi đã gằn bó hàng chục năm ở đây và vẫn rất yêu quý nơi này. Rồi ba năm sau đó  PGS Trần Đình Từ cũng vào công tác cùng với tôi và ông là Phó giám đốc NAVETCO. Anh em làm việc với nhau cho đến lúc nghỉ hưu.
     Như vậy nếu gom ba cái “short name” của ba Thầy trong Ban lãnh đạo khoa ghép lại sẽ là  “Ly Gián Từ”. Nghe qua tưởng chừng như sắp “divorce” đến nơi rồi, gia sản khoa CNTY sắp bị chia ba sẻ bốn để mỗi người “ôm” mấy bộ bàn ghế cũ, “dụ” thêm mấy đệ tử em út, chia khoa, chia lớp ra ở riêng đến nơi rồi. Nhưng “ Nói vậy mà không phải vậy”. Có lẽ trong khó khăn thì người ta lại yêu thương gắn bó với nhau nhiều hơn. “Cái kiềng ba chân” ấy vững như đồng. Họ đoàn kết gắn bó với nhau và với anh em trong khoa như những người ruột thịt. Nhiều những câu chuyện cảm động chỉ ghi vào lòng mà không thể viết ra đây, từ giúp đỡ nhau làm việc, đứng lớp, đi thực tập cùng sinh viên, đến giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. …
     Tôi còn nhớ mỗi bộ môn được chia một mảnh ruộng nhỏ, các thầy các cô thay nhau cuốc cày, đi cấy, nhổ cỏ, bón phân đến mùa gặt về, đập lúa, phơi khô rồi chia nhau, mỗi phần cũng chỉ được vài chục ký thóc. Tự đi xát thành gạo gọi là cải thiện bữa ăn. Tôi không giám ăn mà phải cho vào bọc mang về làm quà cho vợ để nấu cơm, nấu cháo cho mẹ già, vợ và đứa con gái đầu lòng hơn một tuổi lúc bấy giờ đang ở quê. Nghĩ lại cái đoạn đời ấy thì sao mà quên cho nổi chứ. Vất vả thế mà các đề tài vẫn chạy đều đều, các hội nghị khoa học vẫn sum suê đề tài và rất thực tế. Có những đề tài có già trị mãi đến bây giờ.
     Cuộc sống là vậy. bạn đừng vội quên cái hôm qua, dù hôm nay bạn đã đủ đầy. Về thăm lại trường bây giờ thì những chuyện xưa đã vào dĩ vãng. Những con người xưa phần lớn đã nghỉ hưu, nhiều người đã không còn nữa. Vị hiệu trưởng bây giờ là một học trò cũ của tôi. tôi đã làm chủ nhiệm lớp CN12 B ấy trong suốt thời gian mà vị hiệu trưởng này còn là sinh viên.
     Nhà trường bây giờ khang trang quá. Hoạt động của nhà trường và khoa CNTY không ngừng phát triển trên mọi mặt cả trong nước và quốc tế. Cuộc sống của các thầy cô và CBCNV bây giờ khá lắm, nhà cửa khang trang, con cái được học hành tử tế. Thế hệ thứ hai của các thầy cô nhiều cháu đã trưởng thành và là cán bộ giáo viên của trường hoặc đi làm trên mọi miền đất nước, chúng tôi mừng lắm.
     Nghĩ về trường tôi nơi đầy ắp những kỷ niệm vui buồn. Còn có thể viết thành nhiều cuốn tiểu thuyết cũng khó hết những chuyện đời của những ai đã đến và đi với ngôi trường này. Những điều tôi viết trên đây có người biết, nhiều người không nhưng nếu không viết lại thí tất cả sẽ lặng lẽ trôi đi về với dĩ vãng và hư vô. Cũng có thể có ngưởi cho đó là những chuyện cổ tích.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here