HIỆU QUẢ CỦA CÁC MÔ HÌNH HỖ TRỢ NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM TẠI HUYỆN A LƯỚI, THỪA THIÊN HUẾ

0
229

A Lưới là một huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế có biên giới với Lào, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 70 km về phía Tây, là một trong những huyện bị tàn phá ác liệt trong chiến tranh, đặc biệt là chất độc dioxin. Hiện nay, tổng dân số của toàn huyện khoảng 47.000 người, nhưng có tới 4.300 người nghi nhiễm chất độc da cam (Theo thống kê của Phòng Lao động – Thương binh Xã hội huyện A lưới). Có nhiều người ở thế hệ thứ 3, thứ 4 trong gia đình vẫn bị tật nguyền do hậu quả ảnh hưởng của chất độc Dioxin, không có khả năng làm việc. Cuộc sống của những gia đình và những cá nhân này gặp rất nhiều khó khăn và là gánh nặng cho xã hội.

Hình 1: Con của chị Hồ Thị Bình, 19 tuổi tại xã A Ngo, A Lưới

Thấu hiểu được những khó khăn mà các gia đình nạn nhân chất độc da cam phải gánh chịu, từ năm 2013 Hội Cựu chiến binh trường Đai học Nông lâm Huế, Quỹ Những trái tim Huế (Heart for Hue) đã liên kết với Hội Cựu Chiến binh vì hòa bình ở Mỹ (Veteran for Peace);  Hội những người ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tại Úc (The Vietnamese Victims of Agent Orange Trust (VVAOT);  Trạm khuyến nông và Hội chất độc da cam huyện A Lưới  đã triển khai hàng loạt các hoạt động nhằm giúp đỡ cải thiện sinh kế cho hơn 130 hộ gia đình có người bị nhiễm chất độc da cam tại các xã: Hồng Trung, Hồng Kim, Hồng Quảng, Hồng Thượng và A Ngo của huyện A Lưới thông qua chương trình phát triển chăn nuôi bò sinh sản theo hướng bán chăn thả và heo sinh sản.
Mục tiêu của chương trình là cải thiện đời sống của các nạn nhân chất độc da cam huyện A Lưới thông qua nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò và heo bền vững. Chương trình đã triển khai các hoạt động nhằm nâng cao năng lực chăn nuôi và hỗ trợ vật chất để người dân có thể tự chủ các hoạt động chăn nuôi của gia đình mình và mang lại hiệu quả cao cả về kinh tế và xã hội.
Một số nội dung hoạt động chính của chương trình là:
–       Tổ chức 12 lớp tập huấn kỹ thuật, tham quan về chăn nuôi bò sinh sản và heo cho khoảng hơn 400 lượt hộ nông dân tham gia.
–       Hướng dẫn trực tiếp và hỗ trợ vật liệu cho 103 hộ dân xây dựng chuồng bò đảm bảo kỹ thuật, các hộ được hỗ trợ xi măng, sắt để làm nền và cột, ngói lợp và các loại đinh, thép buộc.
–       Cung cấp 1800 kg cỏ giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sử dụng cỏ cho bò với 80 hộ tham gia, mỗi hộ trồng được khoảng 100-500 m2.
–       Cung cấp 20 con heo cái hậu bị cho 20 hộ gia đình  ở A Ngo
–       Hỗ trợ xây dựng 2 mô hình chuồng heo sinh sản để các hộ đến học tập
–       Bên cạnh đó chương trình đã hỗ trợ vac xin; phối giồng và một phần thức ăn đậm đặc cho heo trong giai đoạn ban đầu.
Chương trình đã được sự đồng tình lớn của người dân và chính quyền địa phương. Thảo luận với các hộ hưởng lợi, họ rất hài lòng về các nội dung chuyển giao kỹ thuật và phương pháp tiếp cận để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng chất độc da cam. Đến nay hầu hết các hộ đã chuyển đổi phương thức chăn nuôi bò từ chỗ chăn thả tự do, không chuồng trại, không sử dụng thức ăn bổ sung sang chăn nuôi bán chăn thả, có chuồng trại, cho ăn thêm, bò được quản lý dịch bệnh tốt hơn, nhiều hộ dân đã sử dụng phân chuồng có hiệu quả. Kết quả ban đầu đã cho thấy đàn bò ở các hộ phát triển tốt, tỷ lệ bò chết thấp. Điều tra năm 2012 trên 100 hộ được hỗ trợ bò từ Hội những người ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tại Úc (VVAOT) ở các xã Hồng Trung, Hồng Quảng và Hồng Kim đã cho thấy tỷ lệ bò chết gần 40%. Nguyên nhân chính là chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh kém. Năng lực người dân trong chăn nuôi bò rất thấp. Đến nay, sau khi được tập huấn, có chuồng trại đảm bảo,  đàn bò từ các hộ hoàn toàn không bị chết, tỷ lệ sinh sản tốt, nhiều gia đình đã trồng cỏ, cắt cỏ cho bò ăn, có gia đình đã có 3-5 con bò với trị giá lên tới 50-70 triệu đồng.
Ông Quỳnh Sen ở Hồng Trung cho biết “Từ ngày gia đình ông làm chuồng bò xa nhà ở thì việc ô nhiễm nơi ở (mùi và nước phân bò) đã giảm hẵn, ông và vợ con biết trồng cỏ, cắt cỏ, sử dụng thân cây chuối cho bò ăn, đàn bò khỏe mạnh, hiện tại ông có 3 con và đã bán được 1 bò đực với trị giá 17 triệu đồng”
Bên cạnh tác động đến kinh tế thì với phương thức chăn nuôi mới bà con không phải mất nhiều thời gian cho việc chăn thả bò, cho nên có thêm thời gian rảnh rổi để chăm sóc cho người thân bị nhiễm chất độc dioxin và có thể làm thêm các công việc khác tăng thu nhập cho gia đình. Chị Hồ Thì Bình ở A Ngo có hoàn cảnh rất đặc biệt, chồng bị mất cách đây mấy năm, đứa con đầu cũng bị mất do chất độc da cam, đứa con thứ 2 nay đã hơn 19 tuổi mà suốt ngày chỉ bò trong cũi (Hình 1). Một mình chị vừa phải tần tảo kiếm ăn nuôi các con và vừa phải chăm đứa con bị chất độc da cam suốt ngày bò trong cũi. Chị cho biết “khi có chuồng bò, biết cách nuôi bò theo phương thức mới thì chị có thêm chút thời gian để chăm con. Hiện tại gia đình chị cũng đã có 3 con bò với trị giá khoảng 50 triệu đồng”.

Hình 2: Mô hình nuôi bò bán chăn thả của chị Hồ Thị Bình, A Ngo


Hình 3: Mô hình nuôi bò bán chăn thả của ông Quỳnh Sen, Hồng Trung

Đối với chương trình chăn nuôi heo sinh sản đang phát triển tốt, nhiều hộ gia đình đã có heo mang thai tháng thứ 2 và sẽ cho ra lứa heo con đầu tiên trong hơn 2 tháng nữa. số heo con này sẽ được gia đình giữ lại nuôi thịt và một số sẽ được bán ra thị trường tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Con heo đầu tiên sẽ được giao cho hộ mới thông qua Hội chất độc da cam xã để tiếp tục nhân rộng. Hàng tháng, các hộ được tổ chức gặp mặt để chia sẽ kinh nghiệm về chăn nuôi heo, từ đó năng lực cũng được nâng lên và tình làng, nghĩa xóm được bền chặt hơn.

Hình 4: Mô hình chăn nuôi bò hộ anh Vưng, Hồng Trung       

 Hình 5:  Hội thảo tập huấn cho các hộ ảnh hưởng chất độc da cam
 Chương trình phát triển chăn nuôi bò và heo sinh sản cho các nạn nhân chất độc da cam huyện A Lưới tuy nhỏ nhưng thông qua hoạt động của chương trình đã đào tạo được 1 cán bộ  của Trạm  khuyến nông (Anh Quốc) có năng lực tốt cả về chuyên môn và phương pháp khuyến nông. Anh Quốc đã sử dụng tài liệu, những nội dung của mô hình để nhân rộng cho các xã khác nằm trong chương trình khuyến nông huyện. Ủy ban nhân dân huyện A Lưới cũng đã có chủ trương áp dụng mô hình chăn nuôi bò vào chương trình phát triển chăn nuôi bò của huyện nhà.
Trao đổi với chúng tôi, các đồng chí cán bộ khuyến nông, cán bộ Hội Chữ Thập đỏ, Hội Chất độc da cam huyện A Lưới cho biết, người dân rất hài lòng, họ đã thay đổi thực sự về phương pháp chăn nuôi và huyện đã và đang triển khai nhân rộng mô hình ra các nông hộ hoặc các xã lân cận.
 Ngày 23 tháng 3 năm 2016,  đoàn tham quan du lịch do Hội Cựu chiến binh vì Hòa bình (VFP) tổ chức đã đến tham quan các mô hình chăn nuôi bò và heo ở A Lưới, họ rất xúc động khi tiếp xúc với các nạn nhân chất độc da cam và rất hài lòng với những thành quả mà mô hình mang lại. Chủ tịch Hội, ông Suel Jone đã trao đổi với chúng tôi là sẽ tiếp tục sát cánh với Hội cựu chiến binh trường ĐHNL Huế, Tổ chức Quỹ Những Trái tim Huế để hỗ trợ các nạn nhân khác, làm vơi đi nỗi đau của các nạn nhân và cả chính những người Mỹ đã có một thời tham gia chiến tranh tại Việt Nam.

Huế, ngày 29 tháng 3 năm 2016
Nguyễn Xuân Bả, Chủ tịch Hội CCB trường Đại học Nông Lâm Huế
Trương Trọng Khánh, Chủ tịch Quỹ Những trái tim Huế (Heart for Hue)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here